Tuy nhiên, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về nhãn, niêm yết giá bán hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại có nhiều diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo BCĐ 389 Hà Nội, chỉ trong tháng 5/2022, lực lượng chức năng trên địa bàn đã kiểm tra: 1.939 vụ, xử lý 1.636 vụ, khởi tố 11 vụ đối với 13 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước 202 tỷ 880 triệu đồng.
Điển hình các vụ việc, ngày 5/5, Đội QLTT số 10 phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn kiểm tra hộ kinh doanh tại địa chỉ thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn. Kết quả, đoàn kiểm tra đã tạm giữ hơn 2.000 lít xăng và dầu DIEZEL chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp.
Ngày 7/5, Đội QLTT số 10 phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn, Công an xã Kim Lũ kiểm tra điểm bán lẻ xăng mini tại địa chỉ thôn Kim Trung, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn. Tại thời điểm kiểm tra, cột bơm xăng dầu mini di động đang hoạt động bán lẻ xăng, bên ngoài ghi xăng RON A95-II, cột cắm vào thùng phuy và bên trong chứa 100 lít xăng, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của xăng trong cột bơm xăng mini di động.
Ngày 16/5/2022, Đội 4, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường Hà Nội bất ngờ đột kích xưởng sản xuất bánh kẹo "3 không" tại địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội do Tạ Tương Quân làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ hàng tấn bánh kẹo có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc nhưng chủ cơ sở không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan.
Ngày 28/5, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội thực hiện kiểm tra, phát hiện và tạm giữ số lượng lớn sản phẩm điện thoại di động và linh phụ kiện điện thoại di động do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổng số hàng hoá bị tạm giữ gồm 5.406 sản phẩm điện thoại di động các loại và linh phụ kiện điện thoại di động có trị giá khoảng 3 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 1.000 sản phẩm điện thoại di động do nước ngoài sản xuất mang các nhãn hiệu Apple, Oppo, Vivo, Xiaomi đã qua sử dụng và khoảng 4.000 linh, phụ kiện điện thoại chưa qua sử dụng là thân vỏ, mặt kính, ốp lưng các nhãn hiệu.
Đặc biệt, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm ”, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với Phòng cảnh sát môi trường – Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hàng trăm thùng kẹo không hóa đơn chứng từ, đang được sang bao, đóng gói thành kẹo có xuất xứ Nhật Bản cùng với máy móc được sử dụng trong hoạt động sang bao đóng gói…
Qua đó, BCĐ 389 Hà Nội sát sao chỉ đạo các lực lượng chức năng, trong thời gian tới cần chủ động xây dựng các biện pháp để đấu tranh. Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả.
Để chung tay ngăn chặn tình trạng này, BCĐ 389 cũng khuyến cáo, đề nghị tới các đơn vị, doanh nghiệp, người dân phối hợp cùng các lực lượng chức năng cần năng cao cảnh giác, phát hiện kịp thời và xử lý những hành vi vi phạm đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến thị trường và sức khỏe người dân, góp phần làm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn.
Công Đăng