Hà Nội được đánh giá là một trong những nơi dẫn đầu cả nước về phát triển TMĐT. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển vũ bão của TMĐT, những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đang diễn biến ngày một phức tạp hơn. Riêng trong năm 2018, Cục QLTT Hà Nội đã xử phạt gần nửa tỷ đồng các hành vi gian lận thương mại, trong đó có cả lĩnh vực TMĐT. Hồi tháng 2/2019, Đội QLTT quận Nam Từ Liêm đã tiến hành kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh do ông Nguyễn Bá Tước là chủ hộ và xử phạt 57 mặt hàng (trong đó có nhiều mặt hàng kinh doanh dưới hình thức TMĐT) với hơn 1.380 sản phẩm thuốc kích dục do nước ngoài sản xuất, không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Tổng giá trị số hàng bị xử phạt lên tới hơn 1,4 tỷ đồng. Có thể nói, ngày càng có nhiều khách hàng trở thành nạn nhân của những trò gian lận trên sàn giao dịch trực tuyến này.
Lực lượng chức năng kiểm tra và thu giữ toàn bộ thuốc kích dục trái phép tại cơ sở của ông Nguyễn Bá Tước (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Chị Lê Thị Mai (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Có lần, trong lúc đang lướt facebook, mình nhìn thấy một quảng cáo giảm 50% các mặt hàng mỹ phẩm. Mình đã đặt mua gần 1 triệu đồng tiền hàng. Nhưng lúc nhận hàng thì mới biết đã bị lừa, hàng không có tem chống hàng giả, thử check thêm thì hóa ra là hàng giả. Mình liên tục nhắn tin, gọi điện cho shop nhưng vẫn không thể liên lạc được…”.
Những cú lừa ngoạn mục như vậy không phải là hiếm gặp trên thị trường mua bán qua mạng. Các website, fanpage bán hàng giả, hàng nhái, thường có nhiều thủ đoạn đánh lừa người tiêu dùng về xuất xứ, tem mác và chất lượng của hàng hóa. Những mặt hàng tiêu dùng bị làm giả nhiều nhất phải kể đến thuốc lá, xì gà, rượu ngoại, thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ điện tử...
Rất khó để lực lượng chức năng kiểm soát hoàn toàn những hoạt động gian lận thương mại này. Các đối tượng không có cửa hàng, chỉ hoạt động thông qua các website, mạng xã hội để quảng cáo, bán hàng sau đó giao dịch thông qua việc ship hàng, thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận với khách hàng. Đó là chưa kể hàng hóa vi phạm còn được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua trung gian khiến cho việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn.
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp. Trong khi đó, các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT vi phạm pháp luật còn khá phổ biến.
Để phòng chống gian lận thương mại trong TMĐT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục QLTT TP Hà Nội đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ như: Nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách quản lý hoạt động giao dịch điện tử; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ban, ngành trong việc xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến TMĐT. Ngoài ra, lực lượng QLTT sẽ xây dựng cơ sở sản xuất dữ liệu, hệ thống chứng từ điện tử để giúp giám sát, kiểm tra thị trường hiệu quả hơn. Tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định của pháp luật đối với hoạt động TMĐT để người mua hiểu được quyền, lợi ích của mình và nâng cao trách nhiệm của cơ sở kinh doanh.
Bên cạnh đó, ngày 18/4/2019 tại Hà Nội, tại Hội thảo tập huấn Bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đã diễn ra Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong TMĐT”, với sự tham gia của 5 sàn TMĐT lớn của Việt Nam gồm: Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn và Tiki.vn.
Các doanh nghiệp tham gia đã thể hiện rõ trách nhiệm và quyết tâm mạnh mẽ trong việc chung tay đẩy lùi nạn hàng giả, cam kết bán hàng hóa bảo đảm chất lượng, rõ nguồn gốc cũng như không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới phát triển TMĐT bền vững.
Lê Minh