Thứ Sáu, 22/11/2024 14:44:20 GMT+7
Lượt xem: 4041

Tin đăng lúc 05-12-2016

Hà Nội cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp

Mục tiêu của Hà Nội trong năm 2017 là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.
Hà Nội cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp

Kinh tế tăng trưởng cao nhất trong vòng 6 năm


Năm 2016, TP. Hà Nội đã cam kết trước Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đi tiên phong về môi trường đầu tư, kinh doanh; chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh.

Kết quả của năm 2016 cho thấy, Hà Nội đã thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt kết quả tích cực. Vốn đăng ký của các dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước đạt gần 424.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước trên 162.000 tỷ đồng; đầu tư nước ngoài 2,8 tỷ USD (tăng 2,6 lần so với năm 2015); vốn đăng ký của doanh nghiệp đạt trên 203.000 tỷ đồng (tăng 42% so với năm 2015). Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện ước đạt gần 278.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015. Chỉ số PCI của Hà Nội xếp thứ 24/63, tăng 2 bậc, xếp hạng cao nhất kể từ khi công bố chỉ số PCI. 

Thành phố điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 173.846 tỷ đồng, đạt 102,6% dự toán. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 74.514 tỷ đồng, đạt 101% dự toán năm. Thực hiện tốt chương trình bình ổn giá và kiểm soát lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2016 ước tăng 3,01-3,07%. 

Với nỗ lực của các cấp, các ngành, tăng trưởng kinh tế của Thành phố quý sau cao hơn quý trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,03% - mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Trong đó, ngành dịch vụ tăng 8,1%, công nghiệp-xây dựng tăng 8,8%, nông nghiệp tăng 2,21%. 

Công tác quy hoạch có nhiều đổi mới như quy hoạch cải tạo các khu chung cư cũ, các khu nhà ở xã hội tập trung, các bãi đỗ xe ngầm; rà soát, giới thiệu các quỹ đất khách sạn, bệnh viện, công viên, sân chơi, vườn hoa.... “Năm trật tự văn minh đô thị” đã chuyển biến rõ nét. Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý đô thị theo hướng hiện đại, hướng tới Thành phố thông minh. Đã phát động chương trình 1 triệu cây xanh, thí điểm thay thế đèn chiếu sáng hiện có bằng đèn led, hình thành tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn. 

Thành phố cũng đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm và cấp bách: Thông xe đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân-Cầu Giấy; nút trung tâm quận Long Biên; cơ bản hoàn thành cầu vượt nút Bắc Hồng, thông xe tuyến đường vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái, đoạn từ Ngã tư Vọng-Tôn Thất Tùng thuộc dự án đường vành đai 2, Ngã tư Sở-ngã tư Vọng... 

Việc phân công công tác theo hướng 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả”, “một việc-một đầu mối xuyên suốt” đã thực sự phát huy hiệu quả. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức tại Văn phòng UBND Thành phố, các sở, ngành và các đơn vị sự nghiệp công lập, các ban quản lý dự án theo hướng thu gọn đầu mối quản lý. Dự kiến đến hết 31/12 sẽ hoàn thành việc sắp xếp bộ máy hành chính của Thành phố. 

Dự kiến, hết năm 2016 sẽ triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại tất cả 584 xã/phường. Thực hiện dịch vụ công mức độ 3 với thủ tục liên thông (đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi) chỉ còn 5 ngày làm việc. Triển khai thí điểm dịch vụ công mức độ 4 đối với 08 thủ tục thuộc lĩnh vực tư pháp... Đẩy nhanh tỉ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử và đến nay đã đạt tỉ lệ 54%.

6 nhiệm vụ, giải pháp năm 2017 

Nhận định tình hình kinh tế thế giới năm 2017 tiếp tục diễn biến khó lường, căn cứ tình hình, kết quả đạt được năm 2016, mục tiêu của TP. Hà Nội năm 2017 là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Làm tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đô thị và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; thực hành tiết kiệm, chống lăng phí; phòng, chống tham nhũng. 

Trong đó, Hà Nội đặt chỉ tiêu tăng GRDP từ 8,5-9,0%; GRDP bình quân đầu người 86-88 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 11-12%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 4-5%; giảm tỉ suất sinh thô so với năm trước 0,1%; giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước 0,1%; số xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế tăng thêm 24; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 82,8%; giảm tỉ lệ hộ nghèo so với năm trước 0,6%; tỉ lệ rác thải thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày khu vực đô thị 98%, khu vực nông thôn 88%... 

Để thực hiện được các chỉ tiêu đó, Thành phố sẽ tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó ưu tiên hàng đầu vẫn là phát triển kinh tế, bao gồm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. 

Tạo chuyển biến rõ nét trong tổ chức thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, xóa bỏ rào cản, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, khuyến nông, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản. 


Đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường xúc tiến đầu tư, các giải pháp huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho đâu tư phát triển. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp doanh nghiệp. 

 

Nguồn Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang