Theo Quyết định, trong số 518 sản phẩm, có 01 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 246 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Trong đó, Quận Hoàn Kiếm có 06 sản phẩm của 02 chủ thể đạt OCOP 3 sao; Quận Ba Đình có 05 sản phẩm của 01 chủ thể đạt hang 4 sao; Quận Tây Hồ có 06 sản phẩm của 03 chủ thể đạt hạng 4 sao; Quận Đống Đa có 02 sản phẩm của 01 đơn vị đạt hạng 3 sao; Quận Hà Đông có 02 sản phẩm của 01 chủ thể đạt hạng 4 sao; Quận Thanh Xuân có 02 sản phẩm của 01 chủ thể đạt hạng 4 sao; Quận Hoàng Mai có 06 sản phẩm của 02 chủ thể đạt hạng 4 sao; Huyện Quốc Oai có 31 sản phẩm của 18 chủ thể được chứng nhận với 16 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 15 sản phẩm đạt hạng 3 sao; Huyện Ba Vì có 37 sản phẩm của 15 chủ thể được chứng nhận với 12 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 25 sản phẩm đạt 3 sao; Huyện Mỹ Đức có 16 sản phẩm của 05 chủ thể với 09 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 07 sản phẩm đạt hạng 3 sao; Huyện Sóc Sơn có 28 sản phẩm của 13 chủ thể với 08 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 20 sản phẩm đạt hạng 3 sao; Huyện Chương Mỹ có 46 sản phẩm của 14 chủ thể với 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 26 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 19 sản phẩm đạt hạng 3 sao; Huyện Ứng Hòa có 23 sản phẩm của 09 chủ thể với 11 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 12 sản phẩm đạt hạng 3 sao; Huyện Hoài Đức có 27 sản phẩm của 13 chủ thể với 14 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 13 sản phẩm đạt hạng 3 sao; Huyện Đông Anh có 40 sản phẩm của 12 chủ thể với 15 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 25 sản phẩm đạt 3 sao; Huyện Gia lâm có 30 sản phẩm của 11 chủ thể với 17 sản phẩm 4 sao, 13 sản phẩm 3 sao; Huyện Thanh Oai có 29 sản phẩm của 09 chủ thể với 23 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 06 sản phẩm đạt 3 sao; Huyện Thường Tín có 17 sản phẩm của 13 chủ thể với 13 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 3 sao; Huyện Phú Xuyên có 40 sản phẩm của 10 chủ thể với 36 sản phẩm 4 sao, 04 sản phẩm 3 sao; Huyện Mê Linh có 20 sản phẩm của 05 chủ thể với 09 sản phẩm 4 sao, 11 sản phẩm 3 sao; Huyện Phúc Thọ có 09 sản phẩm của 04 chủ thể với 04 sản phẩm 4 sao, 05 sản phẩm 3 sao; Thị xã Sơn Tây có 11 sản phẩm của 03 chủ thể đạt hạng 4 sao.
Trao chứng nhận sản phẩm OCOP cho các chủ thể
Phát biểu tại Lễ công bố quyết định công nhận sản phẩm OCOP, Ông Nguyễn Văn Chí - Phó CVP thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình NTM thành phố Hà Nội cho biết: Để đạt được kết quả trong năm 2022, Hội đồng OCOP Thành phố đã tổ chức 13 hội nghị đánh giá, phân hạng vòng 1 được 518 sản phẩm (từ ngày 20/9 đến ngày 21/12/2022). Trong đó có 491 sản phẩm mới, 27 sản phẩm đánh giá lại do hết thời hạn 36 tháng theo quy định; chia theo ngành sản phẩm gồm có: thực phẩm tươi sống 76 sản phẩm; thực phẩm chế biến 225 sản phẩm; đồ uống 12 sản phẩm; thảo dược 22 sản phẩm; thủ công mỹ nghệ 168 sản phẩm; ngành vải may mặc 13 sản phẩm; Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch 02 sản phẩm.
Sau khi chứng nhận sản phẩm OCOP, Thành phố luôn quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, qua đó sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Thành phố đã khai trương đi vào hoạt động được 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao về chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường các nước trên Thế giới (Úc, Châu Âu, Nhật Bản), điển hình như: Sản phẩm của công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam; Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc…
Không gian trưng bày và quảng bá sản phẩm OCOP
Tham gia tham luận tại Lễ công bố, đại diện Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc (Đơn vị có sản phẩm đạt tiềm năng OCOP 5 sao) khẳng định: Với niềm tự hào, Công ty Cổ phần Dược Thảo Thiên Phúc đã được thành phố chứng nhận cho 5 sản phẩm đó là Đông trùng hạ thảo nguyên con khô, Đông trùng hạ thảo sấy đối lưu, Đông trùng hạ thảo tươi, Đông trùng hạ thảo nguyên con tươi đạt OCOP 4 sao và Đông trùng hạ thảo sấy đông khô đạt tiềm năng 5 sao OCOP. Đây là một thành tựu đáng kể và là động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công cuộc phát triển sản phẩm của mình. Sau khi được chứng nhận, công ty xây dựng kế hoạch sản xuất và kinh doanh cụ thể như: Nâng cao công nghệ sản xuất, tối ưu hóa quy trình và đầu tư vào các dây chuyền sản xuất hiện đại, tăng năng lực sản xuất sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; mở rộng quy mô kinh doanh bằng cách tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu và thúc đẩy tiếp thị sản phẩm OCOP trên cả nước;đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển để tìm hiểu và phát triển các sản phẩm mới, cải tiến công thức và khám phá các ứng dụng mới của dược liệu tự nhiên.
Đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đã đạt được, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) chỉ ra một số nội dung Hà Nội cần quan tâm hơn nữa trong thời gian tới để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm OCOP như: Cần tập trung củng cố, nâng cấp chất lượng của các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Đối với các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, thành phố cần hỗ trợ để chuẩn hóa về quy trình và chất lượng để đảm bảo ổn định về chất lượng, các sản phẩm đạt 4 sao trở lên cần hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng hơn nữa. Với nhóm sản phẩm nông sản, thực phẩm, dược phẩm cần hướng tới sản phẩm sinh thái, xanh, thân thiện với môi trường, cần có sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ. Hà Nội cần quan tâm hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ thể, nhất là đổi mới sáng tạo để tạo ra hệ sinh thái các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của thị trường,...Ngoài ra, các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP cần chú trọng đến đổi mới bao bì nhãn mác sản phẩm, tạo nên sự khác biệt và chạm đến cảm xúc của người tiêu dùng, chú ý đến kênh thương mại điện tử vì dư địa thị trường này còn rất lớn,...
Sản phẩm làng nghề đạt chứng nhận OCOP có nhiều thay đổi về thiết kế, họa tiết tạo cho sản phẩm có thêm tính mỹ thuật
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội cho rằng: Để bảo đảm mục tiêu của Thành phố, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được công nhận (năm 2021 và 2022 có 1.113 sản phẩm được công nhận đạt 56% kế hoạch), từ 3 sao trở lên, các cấp, các ngành, các cơ sở, các chủ thể OCOP cần tích cực, chung tay thực hiện 05 nhiệm vụ: Tăng cường tập trung công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về Cchương trình OCOP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại là một trong những bước then chốt để tạo cơ sở, động lực thúc đẩy chương trình; ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững…Triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với Chương trình OCOP Thành phố; Tập trung xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP; ưu tiên lựa chọn, sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường; các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hạnh (làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội)
Phấn khởi khi nhận Quyết định, chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hạnh(làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ: Tôi rất là vui khi sản phẩm “Bộ đĩa đựng trái cây đan mây” được công nhận hạng 4 sao. Tôi tin rằng qua buổi lễ này, sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn trong cộng đồng người Việt, cổ vũ những người sản xuất để tạo ra những sản phẩm tốt hơn phục vụ người tiêu dùng.
Chị Lăng Thị Châm - Giám đốc HTX Nam dược Tản Viên Sơn
Cùng chung niềm vui, Chị Lăng Thị Châm - Giám đốc HTX Nam dược Tản Viên Sơn cho biết: Chúng tôi rất tự hào khi có tới 05 sản phẩm đạt OCOP 4 sao: Sản phẩm TPBVSK Trà bổ thận Tản Viên Sơn, TBVSK Cao dưỡng khớp Tản Viên, TPBVSK Bổ phế Tản Viên Sơn, Nước rửa vùng kín An nữ nhi, Dầu gội dược kiệu An nữ nhi. Những sản phẩm này đều được phát triển từ các bài thuốc nam của dân tộc Dao - Ba Vì, được sản xuất tại nhà máy đạt chuẩn GMP. Các sản phẩm này không chỉ giữ nguyên được những tinh túy trong các bài thuốc nam của người Dao mà còn tăng hiệu quả hỗ trợ điều trị bệnh và tiện lợi cho người sử dụng. Chúng tôi hy vọng, khi được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao sẽ mở ra những cơ hội sản xuất và kinh doanh mới cho HTX trong thời gian tới.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội thăm các gian hàng trong khu trưng bày
Sau lễ công bố quyết định công nhận sản phẩm OCOP, lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Sở Công thương, NN&PTNT,...thành phố Hà Nội đã cắt băng khai mạc trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP. Khu trưng bày có diện tích khoảng 1.500m2 với hàng nghìn sản trưng bày và bán tạo điều kiện thuận lợi, thu hút người dân thăm quan mua sắm.
Sự kiện Lễ công bố Quyết định công nhận sản phẩm OCOP năm 2022 đã diễn ra trang trọng, tạo không khí phấn khởi, cổ vũ các chủ thể thể sản xuất ở các quận, huyện tiếp tục phát huy năng lực sản xuất, sáng tác. Các chủ thể sản xuất đều vững tin, với chứng nhận sản phẩm đạt OCOP, sản phẩm sẽ tạo được niềm tin với người tiêu dùng, giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn.
Minh Ngọc
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội