Phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh trái cây vi phạm
Theo báo cáo từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cơ quan chức năng thành phố đã tăng cường giám sát, kiểm tra, đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Những hành vi vi phạm, đặc biệt liên quan đến kinh doanh trái cây không đảm bảo chất lượng, nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc, đều bị xử lý nghiêm khắc. Nhờ vậy, tình trạng kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đã giảm đáng kể.
Sở Công Thương thông tin, từ đầu năm đến nay, Sở đã xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với 92 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trái cây trên địa bàn Thành phố, nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm, thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Theo đó, Sở Công Thương đã tiến hành thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với 42 doanh nghiệp, phát hiện 10 doanh nghiệp vi phạm, xử lý vi phạm hành chính 10 doanh nghiệp với số tiền 177.498.000 đồng. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Công Thương đã chủ trì 1 đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố, tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với 18 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, qua đó phát hiện 6 cơ sở vi phạm, đã chuyển xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 159 triệu đồng.
Trong đó tháng 11 năm 2024, các đội Quản lý thị trường đã kiểm tra 21 vụ việc vi phạm liên quan đến kinh doanh trái cây, xử phạt hành chính tổng cộng 292 triệu đồng. Tang vật vi phạm, bao gồm nhiều loại trái cây nhập lậu như táo đỏ, nho khô, cam, lê..., có giá trị ước tính hơn 270 triệu đồng, đã được xử lý theo quy định.
Song song đó, UBND các quận, huyện và thị xã đã triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cửa hàng kinh doanh trái cây, lồng ghép với các đợt kiểm tra an toàn thực phẩm định kỳ và cao điểm. Đặc biệt, các đoàn kiểm tra không chỉ xử lý vi phạm mà còn hướng dẫn các cửa hàng kinh doanh hoàn thiện thủ tục, đáp ứng tiêu chuẩn để được cấp biển nhận diện “cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn”.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, lực lượng cán bộ quản lý an toàn thực phẩm tại cấp huyện, xã còn hạn chế về số lượng và chuyên môn, phần lớn kiêm nhiệm nên công tác triển khai chưa đạt hiệu quả cao. Hơn nữa, nguồn cung cấp trái cây qua nhiều kênh khác nhau như đường bộ, hàng không, chợ đầu mối... khiến việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trở nên phức tạp.
Đặc biệt, các cửa hàng nhỏ lẻ thường nhập hàng từ chợ đầu mối, không qua nhà sản xuất, dẫn đến khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc. Các đơn vị này thường không có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, hoặc chỉ xuất trình được hóa đơn bán lẻ ghi chép sơ sài, thiếu rõ ràng. Thêm vào đó, thói quen tiêu dùng “tiện đâu mua đó” của người dân khiến việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng trái cây gặp nhiều trở ngại.
Trước tình hình này, UBND các quận, huyện đã chỉ đạo UBND các phường phối hợp với các phòng ban liên quan và đội Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh trái cây không phép, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất cũng được đẩy mạnh nhằm giải tỏa các điểm bán trái cây tự phát, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị và an toàn thực phẩm.
Quản lý chặt, xử lý nghiêm hành vi vi phạm
Liên quan tới vấn đề giải pháp, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nêu quan điểm, để không xảy ra tình trạng mất an toàn phải quản lý trái cây từ khi trồng trọt cho đến nhập khẩu, rồi phân phối, bán ra ở từng địa chỉ một, theo chuỗi phân phối; mua bán phải có hóa đơn, chứng từ; niêm yết giá công khai, hoa quả có nguồn gốc xuất xứ. Nên làm trước hết ở những địa điểm trung tâm buôn bán, tiêu thụ hoa quả lớn nhất, rồi nhân ra, chứ chúng ta không thể làm ngay một lúc được. Sức chúng ta không có, người không có, cơ sở vật chất không có, ý thức chưa được nâng cao.
Phải mở rộng các cuộc giáo dục, tuyên truyền, cam kết từ phường, khóm cho đến Sở Công Thương. Làm dần đi và từ các điểm, chúng ta nhân rộng ra các điểm khác. Làm đến đâu chúng ta rút kinh nghiệm đến đó. Phải khen thưởng những người làm ăn tốt, phải nhân rộng các siêu thị tốt ra; đồng thời kỷ luật, phạt, thậm chí đình chỉ kinh doanh đối với những người đã được giáo dục, nhắc nhở mà lại làm ăn không đảm bảo. Cuối cùng phải kiên trì, kiên quyết; các cán bộ đi làm việc này phải minh bạch, trách nhiệm, công khai, phối hợp liên ngành, có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm…
Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, thành phố sẽ tăng cường giám sát, cảnh báo nguy cơ về chất lượng, an toàn thực phẩm (bao gồm cả hoạt động kinh doanh trái cây tại các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối). Kiểm tra, kiểm soát, xử lý tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không thực hiện đúng các quy định...
Cơ quan quản lý sẽ công khai danh sách các cửa hàng bảo đảm an toàn thực phẩm được cấp biển nhận diện, các tổ chức, cá nhân, địa điểm kinh doanh trái cây vi phạm quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng nắm rõ, lựa chọn…
Cùng với đó, thành phố xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng, mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ trái cây an toàn, kết hợp khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái cây; xây dựng, quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu trái cây an toàn Thủ đô.
Tăng cường hỗ trợ và kết nối cơ sở trồng trái cây an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành phố để đưa vào tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh trái cây; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kinh doanh trái cây.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây thực hiện đúng quy định pháp luật về an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, sơ chế, cung ứng ra thị trường và tới tay người tiêu dùng, đảm bảo ổn định sản lượng và tiêu chuẩn chất lượng.
Có thể nói, việc siết chặt quản lý kinh doanh trái cây không chỉ nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các hộ kinh doanh mà còn giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch và văn minh trên địa bàn Hà Nội.
Theo vietq.vn