Chủ Nhật, 24/11/2024 09:46:20 GMT+7
Lượt xem: 828

Tin đăng lúc 30-03-2021

Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) sau 10 năm triển khai đã tạo ra hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của NTD. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi chưa cao, nhất là trong bối cảnh các hình thức mua bán trực tuyến đang ngày càng phổ biến thì nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi NTD mới đã xuất hiện nhưng không có trong các quy định của Luật. Một số quy định không còn phù hợp với mô hình kinh doanh trên mạng và thương mại điện tử, điều này khiến tình trạng quyền lợi NTD bị xâm phạm vẫn tiếp diễn.
Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Hà Nội đẩy mạnh hoạt động bảo vệ NTD giai đoạn 2021-2025

Theo Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng, năm 2020, Cục đã tiếp nhận hơn 14.000 phản ánh, khiếu nại, yêu cầu tư vấn từ NTD. Trong đó, chủ yếu tăng mạnh thông qua Tổng đài tư vấn và hỗ trợ NTD 1800.6838 với 11.211 cuộc gọi. Các khiếu nại, kiến nghị của NTD trải rộng trong nhiều lĩnh vực như: Nhà chung cư, bất động sản, bảo hiểm, tiêu dùng… Riêng Hà Nội đứng thứ hai (chiếm 32%) về số lượng yêu cầu kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng.

 

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận định, với các hình thức mua bán trực tuyến thông qua các website thương mại điện tử, các mạng xã hội như Facebook, Zalo… nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới đã xuất hiện nhưng không có trong các quy định. Trong khi đó, một số quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa rõ ràng hoặc không còn phù hợp với bối cảnh mới. Nhiều người bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phản ánh với cơ quan, tổ chức nào, không biết địa chỉ để khiếu nại. Bên cạnh đó, NTD hiện nay chưa hình thành thói quen lưu giữ hóa đơn, chứng từ để bảo đảm chứng cứ nhằm phản ánh những doanh nghiệp làm chưa đúng hoặc các cửa hàng, các đơn vị phân phối xâm phạm quyền lợi NTD.

         

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch đẩy mạnh triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025; trong đó sẽ tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.

 

Bên cạnh đó, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật nhằm đưa Luật và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến với mọi đối tượng; tạo sự chuyển biến về ý thức tôn trọng pháp luật và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nâng cao năng lực thực thi pháp luật.

 

Đầu năm 2021, TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch về triển khai chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2021. Chương trình gồm có các hoạt động được thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện trong cả năm 2021 như: Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3”; hội chợ hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng; các chương trình tuyên truyền, tư vấn, giải đáp hỗ trợ bảo vệ quyền lợi NTD… Thông qua các hoạt động này, mục tiêu của thành phố Hà Nội nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng pháp luật và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD; tăng cường hiệu quả công tác thực thị pháp luật trên địa bàn thành phố. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, kích thích tiêu dùng và thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô.

 

Có thể nói, trong bối cảnh quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm với phạm vi rộng và ngày càng tinh vi, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, thì sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng đóng vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, những chế tài xử lý hành vi vi phạm với tính răn đe đủ mạnh sẽ là công cụ đắc lực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

 

Để hạn chế tình trạng vi phạm quyền lợi NTD, NTD cần: Tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ, các điều kiện, điều khoản cũng như tổ chức, cá nhân kinh doanh trước khi giao dịch; trong trường hợp bị vi phạm quyền lợi, NTD có thể yêu cầu tư vấn, phản ánh, khiếu nại tới Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ NTD của Bộ Công Thương 1800.6838 (miễn phí cước gọi); các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các Sở Công Thương trên toàn quốc.

 

 

Quỳnh Anh

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang