Thứ Năm, 21/11/2024 19:45:34 GMT+7
Lượt xem: 1824

Tin đăng lúc 05-06-2020

Hà Nội đẩy mạnh liên kết tiêu thụ hàng hóa nội địa

Trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó về xuất khẩu do giao thương quốc tế bị hạn chế, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân sẽ là điểm tựa lớn cho các doanh nghiệp tăng tiêu thụ.
Hà Nội đẩy mạnh liên kết tiêu thụ hàng hóa nội địa
Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình kết nối, thúc đẩy liên kết tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa giữa các doanh nghiệp

Đó là nhận định của bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Hà Nội. Theo bà Lan, vai trò của thị trường nội địa rất quan trọng và dẫn dắt cho thị trường xuất khẩu. Do vậy, cần đẩy mạnh tăng cường mối liên kết trong việc kết nối, khai thác, tiêu thụ và xuất khẩu hàng Việt giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp phân phối và xuất khẩu, qua đó, góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

 

Qua khảo sát thực tế cho thấy, dư địa tiêu thụ nông sản của Hà Nội còn rất lớn, mà các doanh nghiệp, hợp tác xã,… của thành phố chỉ đáp ứng được 30%-65% nhu cầu của người dân. Trong khi hàng hóa, nông sản từ các địa phương nguồn cung dồi dào có thể đáp ứng nhu cầu cho thị trường Hà Nội, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Vì vậy, nhiều nông sản thực phẩm của các địa phương đã được các doanh nghiệp của Hà Nội kết nối, liên kết trực tiếp hoặc thông qua các chương trình đã hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu cũng như đưa vào các hệ thống bán lẻ hiện đại, từng bước chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.

 

Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó về xuất khẩu do giao thương quốc tế bị hạn chế, nhu cầu tiêu dùng  giảm sâu tại nhiều thị trường lớn. Vì vậy thị trường nội địa với gần 100 triệu dân sẽ là điểm tựa lớn cho các doanh nghiệp tăng tiêu thụ. Ngoài ra, với thị trường xuất khẩu, trong khi dịch bệnh đã được khống chế tại khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội kết nối để có đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường gần, thêm đầu ra cho hàng hóa để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2020. 

 

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương nhận định, trong khi dịch bệnh tại nhiều nơi trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp thì Việt Nam đã kiểm soát tốt, điều này giúp các đối tác quốc tế đánh giá cao thị trường Việt Nam, tăng tính hấp dẫn cho thị trường. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng cơ hội này, khai tác tối đa thị trường nội địa, tạo chỗ đứng vững chắc, xây dựng uy tín trên thị trường nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trước các đối thủ quốc tế.

 

Chia sẻ về kết nối cho doanh nghiệp sản xuất, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG cho biết, Tập đoàn BRG đã giao Công ty TNHH bán lẻ BRG là đầu mối mua hàng hóa từ các nhà cung cấp để phục vụ nhu cầu của các công ty thành viên trong tập đoàn và các công ty thành viên khác của Tập đoàn BRG. Cùng với đó, hàng hóa nông sản Việt như gạo, hạt tiêu, điều, cà phê… và hàng thủ công mỹ nghệ chất lượng cao sẽ được mua nhiều hơn theo chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu của BRG. Tổng giá trị mua hàng của BRG khoảng 15.000 tỷ đồng/năm với mức tăng trưởng dự kiến 20%/năm.

 

Để đưa được hàng vào hệ thống phân phối, các nhà cung cấp phải cam kết sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, các mặt hàng tươi sống phải bảo đảm các quy trình nghiêm ngặt từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến sơ chế, bảo quản… bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”,  bà Dương nói.

 

Theo ông Choi Dong Chul, Phó Giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam, hiện có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn kết nối chặt hơn với các doanh nghiệp Việt Nam để chế biến sản phẩm sâu hơn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang