Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, giá trị ngành công nghiệp tăng 7,72% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,14%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tăng 10,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,9%; kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 5,4% so với cùng kỳ... Tuy nhiên, mức tăng trưởng lại thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2018…
Thay “kêu” bằng “hiến kế” chính quyền
Thay vì chỉ biết đợi chờ chính quyền các cấp các ngành có giải pháp, các doanh nghiệp “nằm trong chăn mới biết chăn có rận” nên để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tháo gỡ những “nút thắt” trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh đề nghị, Thành phố Hà Nội cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực có đóng góp cho xã hội. Trong đó, chú trọng đến lĩnh vực đầu tư sản xuất, vì hiện nay số doanh nghiệp gia nhập thị trường chủ yếu là kinh doanh dịch vụ, rất ít các doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu.
Mặt khác, nghiên cứu đồng bộ hóa cơ chế chính sách và giải quyết các bất cập trong cơ sở pháp lý, thống nhất việc hướng dẫn thực hiện của các cơ quan nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả của các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Tiếp tục tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực, đổi mới tác phong phục vụ doanh nghiệp…
Còn theo đề xuất của ông Minh thì, Thành phố Hà Nội cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn như về vốn, thị trường…
Đặc biệt, ông Minh kiến nghị về thay đổi hình thức xúc tiến thương mại, mời các chuyên gia về đào tạo cho các doanh nghiệp trong quảng bá, xúc tiến sản phẩm trên kênh thương mại điện tử thay cho cách thức tổ chức hội chợ, triển lãm như trước đây. Đồng thời, Hà Nội cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp mới trong việc định hướng chiến lược, tầm nhìn dài hạn, khuyến khích doanh ngiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ giá trị gia tăng cao, hướng đến mở rộng thị trường xuất khẩu.
Doanh nghiệp “đối đầu” 18 yếu tố cạnh tranh lớn
Trước những kế sách của doanh nghiệp, ông Thăng cho hay, Sở sẽ tham mưu cho UBND Thành phố Hà Nội để có các giải pháp quyết liệt, điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Ông Thăng cũng chia sẻ, để hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn, từ đầu năm 2019, Sở đã quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính.
Minh chứng, Sở đã rà soát 100% các quy trình giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở, trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt 53 quy trình nội bộ giải quyết 124 thủ tục hành chính. Sở cũng phối hợp với Phòng TM&CN Việt Nam triển khai hoạt động truyền thông, quảng bá cho các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố 2018.
Ngoài ra, Sở phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai 5 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập năm 2018 và 3 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập trong tháng 4/2019. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới….
“Nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm là hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, trọng tâm là cải thiện các chỉ số cạnh tranh còn thấp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển” ông Thăng nhấn mạnh.
Lý giải việc tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2018, ông Thăng cho rằng. vấn đề thương mại, những năm gần đây, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu nên tốc độ tăng tổng mức bán ra và tổng mức bán lẻ có xu hướng chững lại.
Hơn nữa, trong bối cảnh ngành công nghiệp chưa có những đột biến, một số nhà máy thực hiện di dời khởi thành phố hoặc cắt giảm sản lượng như: General Motors Việt Nam chuyển toàn bộ dây chuyền lắp ráp xe ô tô cho Tập đoàn Vinfast tại Hải Phòng; Yamaha Motor có chính sách giảm dần sản lượng…
Một yếu tố nữa là khó khăn về thị trường nên các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại trong việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư xây dựng mới…Vì vậy dẫn đến, tình hình thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cũng đánh giá, Hà Nội có gần 300.000 doanh nghiệp trong đó khoảng 97% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp hiện nay đang phải đối diện với 18 sự cạnh tranh lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Cụ thể, cạnh tranh về giá, chất lượng dịch vụ; chiến lược, đội hình, độ chuyên nghiệp; số lượng sản phẩm và quy mô; các gói giải pháp về bán hàng; thông tin thị trường; công nghệ…
Bên cạnh đó, một khó khăn cố hữu với doanh nghiệp nhỏ và vừa mà bấy lâu nay vẫn được nhắc tới là vốn mặc dù đã có Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Chính phủ mong muốn phát triển khoa học công nghệ, coi đây là động lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo ra các đột phá của doanh nghiệp nhưng thực tế hiện nay, bằng sáng chế của doanh nghiệp lại không được ngân hàng chấp nhận là tài sản thế chấp cho vay vốn” ông Minh nói.
Nguồn Enternews