Trái ngược với thị trường mọi năm, dịp sau Tết Nguyên đán năm nay, giá rau xanh tại nhiều chợ trong nội thành Hà Nội đều đồng loạt giảm mạnh từ 30-50%. Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương những ngày giữa tháng 2/2016 tại các chợ dân sinh trong nội thành như: Chợ Phương Mai (quận Đống Đa), chợ Kim Liên (Đống Đa), chợ Gốc Đề (quận Hai Bà Trưng) giá rau xanh giữ ở mức thấp, cà chua giá 5.000/1kg, rau cải cúc 2.000 đồng/mớ, xu hào 3.000 đồng/củ, cải bắp 5.000 đồng/1kg,... dù giá rẻ nhưng sức mua cũng rất hạn chế.
Trái ngược với thị trường mọi năm, dịp sau Tết Nguyên đán năm nay, giá rau xanh tại nhiều chợ trong nội thành Hà Nội đều đồng loạt giảm mạnh từ 30-50%. Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương những ngày giữa tháng 2/2016 tại các chợ dân sinh trong nội thành như: Chợ Phương Mai (quận Đống Đa), chợ Kim Liên (Đống Đa), chợ Gốc Đề (quận Hai Bà Trưng) giá rau xanh giữ ở mức thấp, cà chua giá 5.000/1kg, rau cải cúc 2.000 đồng/mớ, xu hào 3.000 đồng/củ, cải bắp 5.000 đồng/1kg,... dù giá rẻ nhưng sức mua cũng rất hạn chế.
Chia sẻ về nguyên nhân giá rau giảm, chị Hương ở Hoài Đức (Hà Nội) - chuyên mang rau từ quê ra chợ Phương Mai bán hàng ngày - cho hay, sức cầu trên thị trường không thay đổi, trong khi thời tiết nắng ấm khiến rau xanh sinh trưởng, phát triển nhanh, nguồn cung rau, củ, quả tăng mạnh khiến giá cả mặt hàng này giảm mạnh. Bên cạnh đó, ra Tết, nhiều hộ gia đình hay sinh viên từ quê quay trở lại thành phố để làm việc thường mang theo lương thực, thực phẩm, trong đó có rau xanh khiến nhu cầu mua giảm sút.
Tuy nhiên, giá các loại rau xanh giảm mạnh chủ yếu là rau sản xuất theo kiểu truyền thống, còn giá các loại rau, củ, quả sản xuất theo hướng hữu cơ và rau an toàn vẫn tương đối ổn định. Ông Vũ Anh Liên - Hợp tác xã rau Vân Nội (xóm Ðầm, xã Vân Nội, huyện Ðông Anh) - cho biết: Giá cà chua của hợp tác xã hiện đang bán ở mức 10.000 đồng/kg, giá rau muống bán 15.000 đồng/kg, cải cúc 7.000 đồng/kg…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn thành phố có 12.000ha rau phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã, tương đương 29.000ha gieo trồng/năm với sản lượng rau đạt gần 600.000 tấn/năm. Để giá rau xanh ổn định, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp quan trọng là phải xây dựng được các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung trên cơ sở thế mạnh của từng vùng, miền, có sự liên kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã, liên hiệp các hợp tác xã ở tất cả các khâu sản xuất và tiêu thụ. Các địa phương cần khuyến cáo nông dân tập trung sản xuất rau theo mô hình VietGAP hoặc rau hữu cơ, đồng thời tăng cường thông tin thị trường để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn Báo Công Thương