TP. Hà Nội hiện còn 807 làng nghề và làng có nghề, trong đó, 42 làng nghề truyền thống, 271 làng nghề và 494 làng có nghề. Các làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất ổn định đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Thực trạng ô nhiễm tại các làng nghề
Theo kết quả khảo sát tại 40 làng nghề của Trung tâm Quan trắc và Phân tích TN&MT Hà Nội thời gian qua, hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai của các làng nghề đã và đang bị ô nhiễm, thậm chí ô nhiễm ở mức báo động như: Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở một số xã của huyện Hoài Ðức, huyện Thanh Oai… Phần lớn nước thải phát sinh từ quá trình tẩy rửa nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất chưa được thu gom, xử lý xả trực tiếp ra môi trường. Trong khi đó, kết quả phân tích mẫu nước, không khí, đất tại 228 làng nghề do Sở TN&MT Hà Nội công bố cho thấy, về môi trường nước có 99 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng; 78 làng nghề ô nhiễm; 50 làng nghề không ô nhiễm. Về môi trường không khí, có 220/228 làng nghề không ô nhiễm; 08/228 làng nghề không đánh giá tác động môi trường không khí. Về môi trường đất, qua đánh giá, có 06/228 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng; 01/228 làng nghề ô nhiễm và 177/228 làng nghề không ô nhiễm; 39/228 làng nghề không đánh giá môi trường đất.
Nhiều giải pháp để làng nghề phát triển bền vững
Giải pháp hiện nay được các chuyên gia đưa ra để khắc phục ô nhiễm môi trường và phát triển sản xuất tại các làng nghề là áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH). Xác định phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân phải đi đôi với BVMT, để phát triển sản xuất kinh doanh tại các làng nghề truyền thống bền vững, áp dụng SXSH là một trong những giải pháp quan trọng được Hà Nội tích cực triển khai nhằm giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế - xã hội. Việc áp dụng SXSH tuy chưa được triển khai đồng bộ ở tất cả các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực về môi trường làm việc, qua đó giúp giảm thiểu tai nạn lao động, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
Trong đó, có thể kể đến việc một số cơ sở sản xuất gốm ở làng nghề gốm Kim Lan, huyện Gia Lâm... cũng đã áp dụng SXSH, chuyển đổi từ lò nung chạy bằng than sang lò nung chạy bằng gas, đem lại nhiều lợi ích từ kinh tế đến môi trường. Ví dụ, cơ sở sản xuất Đào Việt Bình đã thay đổi công nghệ nung gốm từ lò thủ công truyền thống sang hệ thống lò nung gas hiện đại, góp phần giảm tỉ lệ sản phẩm hỏng xuống còn 2 - 5% trong khi trước kia, với lò thủ công, con số này khá cao (khoảng 20%), đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Môi trường làm việc của công nhân cũng được cải thiện do giảm lượng khí thải phát thải ra môi trường.
Làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy, huyện Thanh Oai cũng là một minh chứng của sự ô nhiễm tại 04 thôn sản xuất cơ kim khí, 01 thôn làm trống, thôn còn lại sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, điêu khắc gỗ. Hơn 5 tháng thí điểm áp dụng công cụ cải tiến 5S – giải pháp sản xuất sạch hơn tại 05 hộ sản xuất bao gồm 03 hộ chuyên mạ kim loại và 02 hộ đột dập, đã tạo sự thay đổi rõ rệt.
Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án BVMT làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở TN&MT Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ. Trong đó, tiếp tục thực hiện công tác rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề trên địa bàn Thành phố theo quy định. Bên cạnh đó, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức đào tạo theo chương trình bồi dưỡng chuyên sâu về môi trường cho công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường cấp xã. Sau khi kết thúc, học viên sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo quy định của Bộ Nội vụ. Về lâu dài, Sở TN&MT xây dựng đề cương, dự án nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích cực liên ngành, trực tuyến phục vụ quản lý, phát triển và BVMT làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội”, trình UBND Thành phố giao sở, ngành liên quan thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện giai đoạn 2021 - 2025. Sở TN&MT cũng đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các cấp và cơ sở sản xuất kinh doanh tại các làng nghề các nội dung cụ thể.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác BVMT làng nghề, hướng đến phát triển xanh và bền vững, ngoài sự nỗ lực của Nhà nước, đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, nhất là chính quyền địa phương nơi có làng nghề và người dân các làng nghề trên địa bàn.
Trường An