Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 1.070 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công: 1.048 cơ sở, cơ sở giết mổ bán công nghiệp: 15 cơ sở; cơ sở giết mổ công nghiệp: 7 cơ sở. Tổng số cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh là 168 cơ sở.
Theo quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 11 điểm quy hoạch giết mổ công nghiệp và 37 điểm quy hoạch giết mổ tập trung. Tuy nhiên việc triển khai trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên nhân có nhiều song chủ yếu là việc bố trí địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Trong năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các ngành liên quan, UBND các quận huyện để rà soát bổ sung các điểm giết mổ để triển khai có hiệu quả. Đến nay Thành phố đã ban hành Quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung trong quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020.
Theo đó có 16 điểm giết mổ thuộc 7 huyện được bổ sung quy hoạch, gồm: Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đan Phượng, Ứng Hòa, Mê Linh, Thị xã Sơn Tây. Một số huyện hiện đã và đang tập trung triển khai các cơ sở giết mổ trong quy hoạch để giảm dần cơ sở giết mổ nhỏ lẻ như: Chương Mỹ, Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Oai... Trong đó, hiện huyện Thanh Trì duy trì tốt cơ sở giết mổ tập trung tại xã Vạn Phúc, cơ sở này đang có công suất giết mổ bình quân từ 1.700 đến 2.000 con/ngày, điều đáng ghi nhận đó là đến nay duy nhất huyện không để tồn tại điểm giết mổ nhỏ lẻ.
Thành phố duy trì kiểm tra, kiểm soát giết mổ tại các lò, điểm giết mổ với trâu, bò 68.348 con (so với cùng kỳ năm 2016 tăng 98,8 %); lợn 1.341.587 con (tăng 24,4 %); gia cầm: 8.838.216 con (tăng 5,3 %). Đây cũng chính là sự nỗ lực của các cấp, các ngành và ngành thú y, từ việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức đến việc tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến việc quản lý giết mổ. Kiểm tra các cơ sở giết mổ, các điểm kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ cố tình vi phạm.
Chi cục Thú y Hà Nội cũng đã tiến hành lấy 1.400 mẫu nước tiểu tại các cơ sở giết mổ động vật, kiểm tra bằng phương pháp test nhanh phát hiện chất cấm Salbutamol. Kết quả 1.400/1.400 mẫu nước tiểu âm tính với chất Salbutamol…Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ đã xử lý cảnh cáo 280 trường hợp; tiêu huỷ 259 trường hợp động vật và sản phẩm động vật gồm 308 con lợn; 2.481 con gia cầm lông, 871,6 kg gia cầm lông…
Việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là biện pháp rất hữu hiệu để bảo đảm nghiêm kỷ cương của pháp luật đồng thời răn đe những hành vi vi phạm trong các hoạt động liên quan đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm tại các cơ sở giết mổ và cơ sở tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, an sinh xã hội.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đưa ra những giải pháp hữu hiệu cho công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm. Tăng cường kiểm tra các cơ sở hiện đang giết mổ nhưng không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, chưa được chính quyền địa phương cho phép, đề xuất chính quyền địa phương cho dừng hoạt động.
Tập trung triển khai các cơ sở hiện đang giết mổ với số lượng lớn, đề xuất chính quyền địa phương trong thời gian chờ quy hoạch cho phép cơ sở thực hiện việc giết mổ tạm thời, khi đó cơ quan thú y sẽ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hàng ngày theo quy định. Xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ, kinh doanh trái quy định...
Nguồn VietQ