Theo đó, sẽ có 5 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP do Sở Y tế, Sở Công thương, Sở NN&PTNT phụ trách, có nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực ATTP tại các quận, huyện, thị xã cũng như việc thực hiện quy định về ATTP tại các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng, phụ gia và nguyên liệu thực phẩm... Các đoàn còn có nhiệm vụ giải quyết kịp thời các vụ việc mang tính thời sự, các vụ việc phức tạp theo phản ánh của nhân dân, cơ quan truyền thông và theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội...
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, 5 đoàn kiểm tra liên ngành như những đội "phản ứng nhanh", có thể giải quyết kịp thời các vi phạm liên quan đến ATTP.
• Ngày 2-6, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị cho 18 doanh nghiệp (DN) ký cam kết kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Theo đó, các cơ sở cam kết thực hiện đúng các quy định về ATTP trong kinh doanh và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về 4 nội dung.
Thứ nhất, các DN chỉ mua, bán sản phẩm theo chuỗi, từ sản xuất ban đầu, sơ chế, chế biến đến kinh doanh có đủ điều kiện ATTP và được xác nhận theo quy định. Đồng thời, bảo đảm ATTP trong bảo quản, vận chuyển, bao gói đáp ứng quy định của pháp luật, không kinh doanh thực phẩm biến chất.
Thứ hai, các DN sẽ thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm kinh doanh, không quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Thứ ba là tuân thủ đầy đủ và duy trì các điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định về trang thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh, phòng chống động vật, côn trùng gây hại và xử lý chất thải, vệ sinh môi trường.
Thứ tư, chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh phải có kiến thức về ATTP ở các lĩnh vực kinh doanh, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tính đến hết tháng 5, toàn thành phố có 264 cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Nguồn: Báo Hà Nội Mới