Nhiều tiềm năng phát triển
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, từ năm 2011 đến nay, ngành Công nghiệp CNTT Hà Nội tiếp tục tăng trưởng chiếm khoảng 19% tổng doanh thu công nghiệp CNTT cả nước, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP của Thủ đô và đất nước. Riêng năm 2015, doanh thu của ngành này đạt khoảng 5 tỷ USD. Đặc biệt, ngành Công nghiệp CNTT Thủ đô đã từng bước tạo lập được thương hiệu của mình, xếp trong nhóm 20 thành phố hấp dẫn toàn cầu về gia công phần mềm.
Hà Nội hiện có hơn 6.500 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT (trong đó, có khoảng gần 4.000 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử và dịch vụ liên quan và hơn 2.500 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ), thu hút được trên 86.000 lao động, trong đó trên 60.000 lao động trực tiếp về CNTT.
Tính đến hết năm 2015, Hà Nội có 550 dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp CNTT với tổng số vốn đầu tư khoảng gần 320 triệu USD. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Singapore là những nước đứng đầu về đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp CNTT tại Hà Nội.
Đến nay, Hà Nội đã hình thành được khu CNTT tập trung tại quận Cầu Giấy thu hút 80 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Trong đó có các tập đoàn lớn như: Công ty CP FPT, Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty TNHH Mạng lưới Viettel, Công ty CP CNTT Hài Hòa, Công ty Elcom, Công ty CP Misa... Khu Công nghiệp CNTT tại quận Cầu Giấy mỗi năm đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước với tổng số lao động trong lĩnh vực CNTT trên 9.000 người.
Nâng cao sức cạnh tranh
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ký ban hành Kế hoạch số 187/KH-UBND về Phát triển Công nghiệp CNTT TP.Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Theo kế hoạch này, doanh thu công nghiệp CNTT Hà Nội chiếm 20% tổng doanh thu công nghiệp CNTT cả nước. Trong đó, công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT của Hà Nội tăng trưởng 20%/năm và đóng góp 30%/năm cho doanh thu cả nước.
Bên cạnh đó, thu hút được khoảng 80.000 lao động trực tiếp về CNTT; nâng cao sức cạnh tranh, duy trì vị trí thuộc nhóm 10 thành phố hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu; đưa vào hoạt động 2 khu CNTT tập trung; phát triển ít nhất 2 nhóm sản phẩm CNTT trọng điểm; phấn đấu có 5% số DN CNTT trên địa bàn Hà Nội đạt các chứng chỉ CMM, CMMi, ISO/IEC…, ươm tạo được 70% số DN CNTT khởi nghiệp trong tổng số DN CNTT hoạt động trong vườn ươm.
Thành phố sẽ tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động, sức cạnh tranh cho các DN CNTT trên địa bàn thành phố. Chẳng hạn, tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng DN, sản phẩm CNTT định kỳ hàng năm, xây dựng vườn ươm DN CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội để ươm tạo những dự án nhiều tiềm năng, những ý tưởng sáng tạo có tính khả thi. Đồng thời, tổ chức các hoạt động cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh như: Đào tạo, tư vấn, thông tin, thị trường... để hỗ trợ DN CNTT vừa và nhỏ trên địa bàn. Hỗ trợ các DN CNTT phát triển thương hiệu, sản phẩm mới, sản phẩm trọng điểm và thương mại hóa sản phẩm.
Ngoài ra, sẽ tổ chức hội nghị đối thoại thường xuyên với cộng đồng DN CNTT để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN trên địa bàn thành phố; nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố theo hướng cởi mở nhằm tạo cơ chế thông thoáng cho phát triển DN CNTT…
Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, các sản phẩm phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT của thành phố đáp ứng tốt yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, khởi nghiệp CNTT hàng đầu của cả nước. |
Nguồn Báo Công Thương điện tử