Thứ Bẩy, 23/11/2024 10:34:21 GMT+7
Lượt xem: 660

Tin đăng lúc 31-08-2022

Hà Nội: Nỗ lực triệt phá “thực phẩm bẩn” mùa Trung thu

Khi Tết Trung thu đang đến gần, thị trường bánh Trung thu Hà Nội cũng sôi động hơn. Song đây cũng là dịp để nhiều đối tượng lợi dụng thu lợi bất chính từ việc trà trộn hàng hoá không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hà Nội: Nỗ lực triệt phá “thực phẩm bẩn” mùa Trung thu
Trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều loại bánh Trung thu kém chất lượng

Vào sáng 24/8, tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra điểm tập kết bánh Trung thu tại khu vực ngõ 89 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ. Vào thời điểm kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện hơn 4.700 bánh các loại không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Nguyễn Thị Bích Ngọc (sinh năm 1993, ở tỉnh Quảng Ninh) là chủ sở hữu số hàng trên thừa nhận đã thu mua các loại bánh trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.

 

Trước đó, vào giữa tháng 8, tại xã La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội), khi kiểm tra cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải, cơ quan chức năng bắt quả tang tại đây đang bán 10.800 chiếc bánh Trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài. Theo giá niêm yết tại cửa hàng, một chiếc bánh có giá 2.500 đồng nhưng khi đến tay người tiêu dùng có thể được “thổi giá” lên gấp hàng chục lần...

 

Mới đây, ngày 26/8, tại khu vực thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), Đội 4 Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 25 phát hiện, kiểm tra 2 vụ việc kinh doanh, vận chuyển hàng hóa thực phẩm, trên bao bì in tiếng nước ngoài nhưng chủ hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

 

Tại cửa hàng Ken Fruits ở địa chỉ tại số 97, tổ 2, khu Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai do chị Ngô Thị Vân Anh, sinh năm 1985, có hộ khẩu thường trú tại tổ 4 Tân Bình, thị trấn Xuân Mai làm chủ, lực lượng chức năng phát hiện 1.057 xúc xích, 354 bánh Trung thu, 20 hộp bánh Fares có chữ nước ngoài trên bao bì sản phẩm. Tất cả sản phẩm này đều không có tem phụ tiếng Việt, chủ hàng đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng trên. Tổ công tác đã lập biên bản, tạm giữ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Cùng ngày, tại khu vực trước cửa số nhà 97, tổ 2, khu Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội, tổ công tác giữa Đội 4 Phòng Cảnh sát môi trường và Đội QLTT số 25 cũng đã phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 30F-938.** đang dừng đỗ để bốc xếp hàng hóa là bánh Trung thu có bao bì in chữ nước ngoài.Qua kiểm tra đã phát hiện có 351 hộp bánh Trung thu (2.808 bánh) trên bao bì in chữ nước ngoài. Chủ hàng, kiêm lái xe là Đoàn Đức Trọng, sinh năm 1995, có hộ khẩu thường trú tại khu Tân Xuân, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng hóa trên. Tổ công tác đã lập biên bản, tạm giữ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Trung tá Nguyễn Đăng Hải, Phó Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm môi trường trong lĩnh vực y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm (Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội) cho biết:“Điểm chung trong các vụ việc vừa phát hiện là đầu vào của sản phẩm bánh Trung thu không rõ nguồn gốc thường rất rẻ. Nhưng khi được đóng mẫu mã đẹp, đến tay người tiêu dùng sẽ trở thành mức “giá trên trời”. Giá thành những sản phẩm này thường đi cùng chất lượng kém và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng”.

 

Vào dịp Tết Trung thu, nhu cầu sử dụng bánh Trung thu của người dân tăng cao khiến nhiều đối tượng tìm mua các loại bánh Trung thu và nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài trên thị trường tự do để về bán kiếm lời. Những thực phẩm trên không được kiểm soát chất lượng nên có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chị Đàm Thị Hòa, kinh doanh bánh kẹo trên phố Mã Mây (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, cùng với sản phẩm bánh Trung thu truyền thống thì bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất cũng dễ tiêu thụ. Khi kinh doanh mặt hàng này nếu “mua tận gốc, bán tận ngọn” chỉ cần “làm một mùa là ăn quanh năm”.

 

Để ngăn chặn “thực phẩm bẩn” mùa Trung thu trên địa bàn Hà Nội, Trung tá Nguyễn Phi Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Cầu Giấy) cho biết:“Trước nhu cầu của thị trường, những ngày qua, nhiều đối tượng nhập lậu mặt hàng này về Hà Nội để bán. Địa bàn quận Cầu Giấy có rất nhiều phương tiện vận tải, xe khách đi lại nên các đối tượng đã lợi dụng để gửi thực phẩm nhập lậu, nhất là bánh Trung thu qua các phương tiện này về Hà Nội. Đơn vị đã tăng cường mật phục, chốt chặn tại các tuyến trọng điểm để kiểm tra và sẽ phối hợp với quản lý thị trường thực hiện giải pháp này đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm”.

 

Nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội cũng đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, tập huấn để nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Chủ tịch UBND phường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) Nguyễn Đình Hà cho biết:Nằm giáp ranh với làng nghề sản xuất bánh trung thu nổi tiếng tại 2 phường Xuân Đỉnh và Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) nên địa bàn cũng có nhiều hộ sản xuất mặt hàng nói trên. Dịp Tết Trung thu năm nay, cùng với công tác kiểm tra, địa phương đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm cho các hộ sản xuất, kinh doanh, đề nghị các nhà làm bánh truyền thống công khai quy trình sản xuất để người dân được biết.

 

Công an TP Hà Nội khẳng định, những ngày tới là cao điểm tiêu thụ bánh Trung thu, nên đơn vị tiếp tục tăng cường tuần tra địa bàn, đặc biệt vào khung giờ mà các đối tượng thường lợi dụng để tập kết, vận chuyển hàng không rõ nguồn gốc để đấu tranh, triệt phá. Tất cả nhằm giữ cho thị trường bánh Trung thu an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Minh Phương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang