Nói về công tác kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc chia sẻ, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều lý do. Các công ty thường đặt địa chỉ trụ sở và kho hàng ở những địa bàn khác nhau, thậm chí hoạt động thông qua nhiều công ty con, gây khó khăn cho kiểm soát. Hàng hóa bị tịch thu không xác định được chủ sở hữu nên việc tiêu hủy phải do chính cán bộ kiểm tra thực hiện. Hơn nữa, việc lấy mẫu giám định để xử lý hàng hóa vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn…
Cũng theo ông Lộc, mỗi sản phẩm có thể có tới 20 chỉ tiêu giám định nên lựa chọn chỉ tiêu nào đưa đi giám định là việc rất mất thời gian. Hiện nay, mỗi mẫu giám định cần trung bình khoảng 10 ngày mới có kết quả. Khi cơ quan chức năng quay lại xử lý thì sản phẩm đã được “tiêu thụ hết”.
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tốt hơn nữa, ông Nguyễn Đắc Lộc nhấn mạnh tới vấn đề khiếu nại, khiếu kiện. “Chính người tiêu dùng còn e dè, khi khiếu nại khiếu kiện không có tang vật chứng minh. Đây cũng là một trong những vấn đề cần tập trung tuyên truyền trong Tháng hành động này” – ông Lộc nói.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cũng đề nghị các sở, ngành và UBND các cấp phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai Tháng hành động ATTP năm 2019 nhằm đem lại những kết quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho công tác bảo đảm ATTP giai đoạn tới.
Phương Minh