Chủ Nhật, 24/11/2024 11:14:38 GMT+7
Lượt xem: 351

Tin đăng lúc 21-12-2023

Hà Nội: Phát hiện 7.555 sản phẩm hàng hóa là tai nghe, robot hút bụi giả mạo nhãn hiệu

Đội QLTT số 9 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra, phát hiện tại kho hàng loa, tai nghe với số lượng lớn có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Marshall.
Hà Nội: Phát hiện 7.555 sản phẩm hàng hóa là tai nghe, robot hút bụi giả mạo nhãn hiệu
Lượng lớn sản phẩm loa giả mạo nhãn hiệu bị thu giữ. (Ảnh: Cục QLTT Hà Nội)

Theo thông tin từ Cục QLTT Hà Nội, Đội QLTT số 9 vừa phối hợp cùng Công an phường Bưởi và Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường – Công an quận Tây Hồ đột kích bất ngờ vào kho chứa hàng nằm khuất sâu trong ngõ 218 đường Lạc Long Quân, cụ thể tại Số 53A, ngách 53, ngõ 218 đường Lạc Long Quân, phường Bưởi.

 

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện có 7.555 sản phẩm hàng hóa gồm loa, tai nghe, robot hút bụi, đồng hồ thông minh gắn các nhãn hiệu Hitachi; Daikin; Marshall; Samsung là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tại cơ sở lực lượng chức năng còn phát hiện có các vỏ hộp, thẻ bảo hành, tem nhãn gắn tên của các thương hiệu nổi tiếng trên. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện tại cơ sở có 1.800 chai dầu gội OKANEN. Ước tính giá trị tổng số hàng hóa là trên 4 tỷ đồng.

 

Do số lượng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm là quá lớn nên công tác kiểm đếm của lực lượng chức năng phải diễn ra từ đêm 18/12 đến sáng 19/12 mới hoàn thành. Chủ hàng cho biết mới thuê địa điểm trên để lưu giữ hàng hóa. Chủ hàng đã nhận đơn của một số đơn vị chạy quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, sau đó đóng kiện hàng theo yêu cầu trên từng đơn hàng và giao đến cho người mua qua đơn vị vận chuyển.

 

Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa trên. Cơ sở cũng không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.

 

Đánh giá của Cục QLTT Hà Nội, có thể thấy đây là vụ việc điển hình trong việc lợi dụng hoạt động online qua mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Hàng hóa được lưu giữ nằm sâu trong khu dân cư, hoạt động giao hàng được thực hiện chủ yếu qua đơn vị vận chuyển trung gian nên rất khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác định vị trí kho hàng để tiến hành kiểm tra, xử lý. Đội Quản lý thị trường số 9 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiến hành xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, căn cứ mục đích của hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hoặc sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

 

Về hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa để buôn bán kiếm lời: Bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 11 Nghị định);

 

Về hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu: Bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 12 Nghị định).

 

Giả mạo nhãn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo vệ. Do đó hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 Bộ luật Hình sự) hoặc Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226 BLHS).

 

Theo VietQ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang