Chủ Nhật, 24/11/2024 05:41:36 GMT+7
Lượt xem: 2310

Tin đăng lúc 12-02-2020

Hà Nội: Quản lý chặt kinh doanh đa cấp

Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã có những khuyến cáo, tuyên truyền đưa thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp. Trong thời gian tới, để người dân không bị mắc lừa, sở sẽ siết chặt quản lý các mặt hàng kinh doanh đa cấp.
Hà Nội: Quản lý chặt kinh doanh đa cấp
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, tính đến nay, trên địa bàn có 21 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đăng ký hoạt động gồm các mặt hàng: Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng... Trong đó, thực phẩm chức năng là mặt hàng có số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh nhiều nhất, với trên 80% số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp của 21 doanh nghiệp là 54.500 người, giảm 27% so với năm 2018.

 

Trong năm 2019, đã có hơn 600 hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp được báo đến Sở Công Thương. Sở Công Thương cũng đã ban hành văn bản thông báo về việc tổ chức hội nghị, hội thảo của các doanh nghiệp để các sở, ngành, quận, huyện biết và thực hiện kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, sở cũng thực hiện công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về bán hàng đa cấp, các hành vi biến tướng, lừa đảo trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp, người dân trên địa bàn tránh các hiện tượng tiêu cực, thiệt hại về kinh tế, gây mất ổn định trật tự xã hội. Biên soạn cuốn tài liệu "Hỏi – đáp về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp" để phát đến các cơ quan, tuyên truyền đến người dân trên địa bàn.

 

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - đánh giá, việc phối hợp liên ngành trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được thực hiện ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng Quy chế phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, trình UBND thành phố xem xét ban hành.

 

Mặc dù lực lượng chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ, các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được sửa đổi theo hướng thắt chặt quản lý, tuy nhiên, vẫn chưa kiểm soát được những hình thức lách luật tinh vi của các đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo. Cụ thể, các chủ thể kinh doanh đa cấp bất chính chuyển sang các mô hình hoạt động sử dụng phương thức đa cấp nhưng không mua bán hàng hóa thực sự, hoặc sử dụng công nghệ số, thương mại điện tử nhằm né tránh, qua mặt khi cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra.

 

Để quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp được tốt hơn, Sở Công Thương đề nghị các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh tại địa bàn thành phố; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và công tác giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa bàn, gửi thông tin kết quả giám sát về Sở Công Thương để phối hợp quản lý. Để tránh bị lôi kéo vào bẫy lừa đảo bán hàng đa cấp, ông Nguyễn Thanh Hải khuyến cáo người dân cần nhận thức rõ các dấu hiệu lừa đảo như mời chào tham gia đầu tư, nộp tiền, hứa hẹn trả các khoản lợi nhuận cao bất thường; hay khuyến khích người mua gửi hàng tại kho của công ty khi nào bán được thì đến lấy; kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng không có sản phẩm hàng hóa.

 

Trong năm 2019, các sở, ngành của TP. Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính 6 doanh nghiệp bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt 640 triệu đồng.

 

Theo Báo Công Thương

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang