Chủ Nhật, 24/11/2024 04:50:52 GMT+7
Lượt xem: 3138

Tin đăng lúc 06-04-2019

Hà Nội: Sách lậu - Liệu có là câu chuyện vô thưởng vô phạt?

Hiện nay, tại Hà Nội, thị trường sách xuất hiện rất nhiều ấn bản in ngoài luồng với chất lượng in kém, cẩu thả, thậm chí không đảm bảo về mặt nội dung. Một bộ phận người đọc không nhỏ thường vì ham rẻ, nên chấp nhận mua sách lậu để phục vụ mục đích đọc nhất thời.
Hà Nội: Sách lậu - Liệu có là câu chuyện vô thưởng vô phạt?
Đắc nhân tâm - cuốn sách của First News - Trí Việt bị làm giả rất nhiều trên thị trường. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, chính thói quen tiêu thụ này đã làm ảnh hưởng xấu đến ngành Xuất bản nói chung. Thậm chí, về lâu về dài, câu chuyện tưởng chừng như là vô thưởng vô phạt này lại kéo theo vô vàn hệ lụy đối với tư duy tiêu dùng của người mê sách cũng như văn hóa đọc và đạo đức kinh doanh.

 

Sách lậu hay sách giả là loại sách thường được in ở các xưởng in nhỏ với chất lượng thấp, máy in công nghệ cũ. Những nhà in này chấp nhận in lén lút, nhanh chóng cho những người đặt hàng trên những chất liệu giấy rẻ tiền nhằm tối ưu hóa lợi nhuận cho người bán. Hậu quả là sách lậu bao giờ cũng là những sản phẩm gây hồ nghi về giá trị, mắc nhiều lỗi văn bản, in ấn. Tuy nhiên, mặt hàng này lại có thể được chiết khấu lên đến 60-70-80% giá bìa. Vì bên đặt hàng không phải trả nhuận bút, bản quyền, phí xuất bản, thuế, các loại chi phí khác như quảng cáo, tiếp thị… mà chỉ cần in ra và tiêu thụ.

 

Đã 15 năm trôi qua kể từ ngày Việt Nam tham gia Công ước Berne, Công ước bảo hộ quyền tác giả (Công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 26 tháng 10 năm 2004). Tuy nhiên, có thể nhìn nhận việc thực thi Công ước này ở nước ta đến nay vẫn còn quá nhiều bất cập, khiến cho vấn nạn sách lậu vẫn không thể xóa sổ. Ví dụ, điển hình có thể kể đến là bộ sách Hạt giống tâm hồn do First News giữ bản quyền là một trong những xuất bản phẩm bị in lậu nhiều nhất tại Việt Nam gần đây. Một điều đáng nực cười nữa là, có tình trạng đơn vị làm sách thật lại thua kiện đơn vị làm sách giả! Với hàng trăm đầu sách in lậu đã gây thiệt hại, tổn thất lớn cho đơn vị đã mua bản quyền, tuyển chọn sách mang về cho độc giả Việt Nam. Điều này đã dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh về Luật bản quyền vẫn đang bị xem nhẹ và tình trạng sách lậu còn khá phức tạp!

 

Khi được hỏi về các đầu sách bị làm giả của Trí Việt thời gian trước qua, ông Lê Luy, chủ một nhà sách trên phố Đinh Lễ (Hà Nội) cho biết: “ Nhà sách chúng tôi không cho phép nhập sách lậu nhưng các bên cung ứng đã từng có hiện tượng trà trộn vào kiện hàng số lượng lớn gửi đến, gây thiệt hại cho nhà sách..”

 

 

Bạn Vũ Anh Quân – một học sinh cấp 3 trường THPT Đoàn Kết – Hà Nội khẳng định: “Em không thể phân biệt được sách lậu và sách thật, nên nếu là cuốn sách em cần, em vẫn mua để đọc. Nếu sách có lỗi về nội dung em cũng không biết được, vì không có thời gian để so sánh. Về giá thì thấy chiết khấu cao cũng ham…”.

 

Có thể nói, ngoài việc các đơn vị in ấn lậu qua mắt để trục lợi, thì việc yếu kém trong khâu quản lý thị trường cũng là một lỗ hổng nhỏ. Do vậy, chính nhu cầu và tâm lý của một bộ phận bạn đọc đã tạo ra môi trường thuận lợi cho sách lậu tồn tại. Có cầu ắt có cung và ngược lại.

 

Trên đây, chỉ là một vài chứng thực nhỏ để chúng ta suy ngẫm lại về thực trạng sách lậu hiện nay. Bên cạnh đó, với chế tài xử phạt in sách lậu không đủ sức răn đe như hiện nay đối với các cơ sở in, phát hành lén lút còn dẫn đến tình trạng nhờn luật, bất chấp. Vì thế, mức xử phạt hành vi in ấn, phát hành sách lậu, sách giả cần phải được nâng cấp cả về mức phạt hành chính và khung hình phạt hình sự để có thể kiểm soát và xóa sổ vấn nạn này trong tương lai không xa.

 

Thiết nghĩ, để bảo vệ chính mình và cộng đồng, các độc giả nên mua sách ở những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc, lai lịch rõ ràng. Đặc biệt, nên coi việc mua “sách thật” là hành vi tôn trọng pháp luật, cần hoan nghênh, hưởng ứng. Như vậy,  văn hóa đọc và tri thức mới ngày một phát triển. Chính những độc giả - người tiêu thụ sản phẩm văn hóa đọc cũng là nhân tố chính làm tích cực hóa thị trường tiêu thụ mặt hàng này. Bởi lẽ, nếu chúng ta dễ tính với những thứ xấu thì những thứ tốt sẽ không được nhìn nhận đúng. Một xã hội không thể đi lên, chậm tiến bộ nếu mỗi công dân không dám nhìn thẳng vào vấn đề và bài trừ dần những thứ hủ lậu…

 

Dưới đây, thay cho lời kết, tác giả xin trích dẫn hình ảnh slogan của First New - một đơn vị xuất bản đã trải qua quá nhiều cay đắng trên con đường đấu tranh với sách lậu, với thông điệp: Chúng ta đang phát triển trong thời đại kỉ nguyên số, văn minh, tiến bộ và chúng ta cần bài trừ mạnh mẽ những hành vi kinh doanh thiếu đạo đức này!

 

                                                                      Nguyễn. H. T. Mỹ 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang