Thứ Sáu, 22/11/2024 00:43:22 GMT+7
Lượt xem: 1128

Tin đăng lúc 14-03-2023

Hà Nội: Sản phẩm OCOP chạm đến cảm xúc của người tiêu dùng

Năm 2022, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Đây là niềm tự hào của ngành Nông nghiệp nghiệp nói riêng và của thành phố Hà Nội nói chung. Sản phẩm OCOP của Hà Nội đa dạng, giàu bản sắc, có chất lượng cao và chạm đến cảm xúc của người tiêu dùng.
Hà Nội: Sản phẩm OCOP chạm đến cảm xúc của người tiêu dùng
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao tặng Cờ thi đua xuất sắc TP cho 3 tập thể

Phát huy thế mạnh...

 

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội ước tăng 2,58% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước năm 2022 đạt trên 40.600 tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt đạt hơn 16.200 tỷ đồng, tăng hơn 2,7%; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt trên 19.900 tỷ đồng, tăng gần 2,5%; giá trị sản xuất dịch vụ nông nghiệp đạt 875,8 tỷ đồng, tăng 1,9%. Cơ cấu ngành chuyển dịch tích cực, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 91,26%, lâm nghiệp 0,23%, thủy sản 8,51%.

 

Đáng chú ý, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đến nay toàn Thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 01 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Những mô hình công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện như: Thạch Thất, Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…

 

 

Sản phẩm OCOP 4 sao - Miến dong Minh Dương được sản xuất với công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước như: Nga, Pháp, Hàn Quốc,…

 

Hà Nội có 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn. Tính đến hết năm 2021, Hà Nội có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống tiêu biểu được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã, trong đó có 48 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống, 270 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề (làng nghề sơn mài, khảm trai; làng nghề nón, mũ lá; làng nghề mây tre, giang; làng nghề gốm,…).

 

Thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ năm 2018, bao gồm 6 nhóm ngành: Thực phẩm, đồ uống, dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh, dịch vụ du lịch cộng đồng. Đến nay, Hà Nội đã có 1.649 sản phẩm, trong đó, có 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Năm 2022, Hà Nội có thêm 488 sản phẩm đăng ký sản phẩm OCOP; trong đó có hàng trăm sản phẩm đã được Hội đồng OCOP Thành phố thẩm định đang chờ Thành phố công nhận.

 

Đưa sản phẩm OCOP chạm đến cảm xúc của người tiêu dùng

 

Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội đã tạo ra những thay đổi lớn trong hoạt động sản xuất của các chủ thể như: Tư suy sản xuất, đầu tư, chất lượng nguồn nguyên liệu, chất lượng sản phẩm, truy suất nguồn gốc, mẫu mã, tiếp thị, quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ, xây dựng và bảo vệ thương hiệu,… nhằm chạm đến cảm xúc của người tiêu dùng, tạo đầu ra cho sản phẩm.

 

Cơ bản khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, các sản phẩm có được “giấy thông hành” vào thị trường, đến niềm tin của người tiêu dùng. Vì khi đánh giá các tiêu chí sản phẩm, Hội đồng đánh giá, phân hạng thành phố Hà Nội luôn sát sao, công khai, minh bạch, kiểm tra nghiêm ngặt từ nguồn nguyên liệu, quá trình sản xuất đến thành phẩm; nhất là các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, dược liệu đều đặc biệt chú ý đến khâu an toàn thực phẩm.

 

 

Sản phẩm của Công ty Gốm Quang Vinh đạt OCOP 5 sao 

 

Theo ông Nguyễn Văn Chí -  Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới cho biết, qua đánh giá phân loại và kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất cho thấy, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP đều chú trọng đưa ra thị trường những sản phẩm uy tín, bảo đảm chất lượng. Các địa phương, đơn vị cũng chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và tổ chức ký cam kết sản xuất an toàn.

 

Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm thuộc nhóm ngành thủ công mỹ nghệ, nhiều chủ thể đã thành lập Trung tâm thiết kế để cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm thường xuyên, liên tục, không những đáp ứng nhu cầu người mua mà còn định hướng tiêu dùng.

 

Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty Gốm sứ Quang Vinh, chủ thể 3 sản phẩm OCOP 5 sao chia sẻ: Chương trình OCOP vừa là “bà đỡ” vừa là “tay vịn” để các chủ thể phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các chủ thể OCOP luôn phải chủ động nắm bắt chính sách, nắm bắt thời cơ, chủ động đổi mới, sáng tạo để phát triển. Có sáng tạo, có đổi mới, để không chỉ bắt kịp mà còn đi trước nhu cầu thị trường. Sản phẩm phải chạm đến cảm xúc của người tiêu dùng thì mới có chỗ đứng vững chắc, mới phát triển lâu bền được.

 

Được biết, đầu năm 2023, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND về Phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mục tiêu, đến cuối năm 2023, Hà Nội sẽ phát triển 5 - 9 mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch.

 

Như vậy có thể thấy, với chương trình OCOP, Hà Nội đã tiếp sức cho các chủ thể OCOP  phát triển nhiều mặt. Các chủ thể cần nắm bắt cơ hội để “bay lên” tỏa sáng, xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của thủ đô.

 

 

Minh Ngọc


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang