Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại (GLTM) và vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt là tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), hàng giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Việt Nam”… để gian lận thương mại (GLTM), gây thất thu ngân sach nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Hàng giả, hàng vi phạm SHTT được một số cơ sở trong nước mua các loại nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và bao bì, nhãn mác; giả các thương hiệu; sau đó tổ chức sản xuất, đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn và đưa ra thị trường tiêu thụ.
Không chỉ vậy, nhiều đối tượng còn sản xuất hàng giả ở nước ngoài các hàng hóa đã được thị trường chấp nhận, hàng hóa có nhãn hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Lacoste, Louis Vuitton (LV), Gucci... sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhập lậu. Bên cạnh đó, tình trạng hàng hóa giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu còn tồn tại ở một số cơ sở sản xuất, làng nghề của khu vực các huyện ngoại thành thành phố Hà Nội (làng nghề sản xuất đồ giả da Thao Nội, huyện Phú Xuyên; gia công may mặc tại Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ)… gây ảnh hưởng xấu đến kinh tế, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như: Tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Bên cạnh đó, công tác phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các lực lượng chức năng trong thành phố được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, phát huy được sức mạnh của toàn lực lượng…
Nhờ vậy, trong 9 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã tổ chức thanh kiểm tra 20.209 vụ; xử lý 17.659 vụ; khởi tố 100 vụ đối với 124 đối tượng. Trong đó kiểm tra, phát hiện 2.786 vụ hàng cấm, hàng lậu; 1.185 vụ hàng giả, vi phạm SHTT; 13.688 vụ gian lận thương mại. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế: 3.791,135 tỷ đồng. Trong đó: Phạt hành chính là 740,122 tỷ đồng; Truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra (gồm Công an, Thuế) là 3.051,013 tỷ đồng.
Có thể thấy, tình hình buôn lậu, GLTM và hàng giả vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm. Vì vậy, để kiểm soát và ổn định thị trường, Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội cho biết, trong những tháng còn lại của năm 2019, các lực lượng chức năng của thành phố sẽ tiếp tục tập trung triển khai những mặt hàng trọng tâm, vụ việc trọng điểm... Kiểm soát diễn biến, ổn định tình hình thị trường, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các vi phạm.
Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng thuộc Hà Nội, giữa các lực lượng Hà Nội với các lực lượng chức năng ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước (đặc biệt là các tỉnh biên giới) để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cơ quan thường trực BCĐ 389 Thành phố cũng sẽ tập trung xây dựng dự thảo Kế hoạch kiểm tra liên ngành kiểm tra mặt hàng quần áo, giày dép, vải may mặc, đồ thời trang... trên địa bàn thành phố Hà Nội; Xây dựng dự thảo Kế hoạch kiểm tra liên ngành kho tàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán trên địa bàn thành phố Hà Nội; Xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội./.
Minh Vũ