Theo đó, TP. Hà Nội yêu cầu các thành viên BCĐ 138 và BCĐ 389 Thành phố, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cần tăng cường và quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
Cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng, đồng thời, phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu; tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh tội phạm và các điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn.
Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để triển khai các đề án thuộc chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; các kế hoạch chuyên đề về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Làm tốt công tác nắm và dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ.
Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “liêm chính, bản lĩnh”, có phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức theo đúng quy định.
Thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, nâng cao chất lượng điều tra khám phá các vụ án. Các cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp trong điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, không làm oan sai người vô tội nhưng kiên quyết không để lọt tội phạm; kịp thời truy tố, xét xử những vụ án lớn, được dư luận xã hội quan tâm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Chủ động rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng cường chế tài xử lý để răn đe, phòng ngừa hiệu quả. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ; kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả công tác.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và người dân trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó, tạo sức lan tỏa, giúp công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao hơn, góp phần giữ vững ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của Thủ đô./.
PV