Trên thực tế cho thấy, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do mô hình sản xuất nhỏ lẻ, người dân vẫn còn thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc xuất xứ còn khá phổ biến; Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố diễn ra rất phúc tạp, quy mô nhỏ lẻ dẫn đến nhiều nguy cơ không bảo đảm vệ sinh ATTP; thực phẩm lậu, thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn trôi nổi trên thị trường vẫn còn nhiều, khó quản lý.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở đã phối với các đơn vị liên quan, tổ chức lấy 502 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố và sản phẩm từ các tỉnh, thành phố, sản phẩm nhập khẩu lưu thông trên địa bàn. Trong đó 305 mẫu đã có kết quả phân tích, phát hiện 13 mẫu vi phạm (chiếm 4,2%), Cụ thể, tỷ lệ mẫu thịt không đạt các chỉ tiêu vi sinh và kháng sinh là 5/86 mẫu (chiếm 5,8%), 1/146 mẫu rau, củ, quả tươi tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (chiếm 0,7%), 7/48 mẫu sản phẩm chế biến vi phạm về chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật (chiếm 8,7%).
Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã thẩm định, xếp loại được 51 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản; có 34 cơ sở xếp loại B (chiếm 66,7%); 13 cơ sở xếp loại C (chiếm 25,5%); 4 cơ sở không đánh giá (chiếm 7,8%), đây là những cơ sở không đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, cấp 30 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở xếp loại B trong sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản.
Đặc biệt, Sở cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản tuân thủ các quy định đảm bảo vệ sinh ATTP; Hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận chất lượng, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản an toàn để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn.
Trong thời gian tới, nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP đối với các sản phẩm nông nghiệp, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc, thực hiện công tác kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều, có nguy cơ cao, sản phẩm có nguy cơ lưu chứa, lây truyền dịch bệnh. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp liên ngành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất và sản phẩm nông nghiệp, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định, nhằm tránh lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
CD