Chủ Nhật, 24/11/2024 03:21:07 GMT+7
Lượt xem: 1059

Tin đăng lúc 03-07-2021

Hà Nội tập trung vào 5 nhiệm vụ chủ yếu để thúc đẩy hội nhập quốc tế

Xây dựng pháp luật, thể chế và cải cách thủ tục hành chính; thông tin, tuyên truyền về hội nhập quốc tế; hội nhập kinh tế quốc tế; hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh; hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, dân tộc, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác chính là 5 nhiệm vụ chủ yếu trong nội dung Kế hoạch về hội nhập quốc tế của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Hà Nội tập trung vào 5 nhiệm vụ chủ yếu để thúc đẩy hội nhập quốc tế

Khi hội nhập quốc tế và hợp tác đa phương trở thành xu hướng chủ đạo toàn cầu, với vị thế là Thủ đô của cả nước, Hà Nội đã hòa mình vào dòng chảy của thời đại. Trong những năm qua, thành phố đã không ngừng nỗ lực chủ động hội nhập, phát triển, đồng thời nâng cao vị thế Thủ đô trong khu vực và trên thế giới. Hà Nội đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, quan hệ đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, tăng cường quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị và góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Đến nay, Hà Nội đã thiết lập được mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới, duy trì vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, là thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế. Hàng chục thỏa thuận quốc tế trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chương trình hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao, quản lý đô thị bền vững, giáo dục và đào tạo, y tế… đã được ký kết… Đặc biệt, nhờ những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, Hà Nội từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Trong giai đoạn 2016-2020, ước tính Hà Nội thu hút 25 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và là điểm sáng trên phạm vi cả nước. Liên tiếp 2 năm 2018 và 2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về kết quả thu hút nguồn vốn này.

 

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong bối cảnh đón nhận làn sóng đầu tư mới, định hướng lại chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng vươn tới giá trị gia tăng cao hơn, lớn hơn, Hà Nội là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới này.

 

Phát huy những thành tựu đã đạt được từ giai đoạn trước, giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội đã đề ra Kế hoạch cụ thể về hội nhập quốc tế cho giai đoạn này, trong đó, sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ chủ yếu để thúc đẩy hội nhập quốc tế đó là: Xây dựng pháp luật, thể chế và cải cách thủ tục hành chính; thông tin, tuyên truyền về hội nhập quốc tế; hội nhập kinh tế quốc tế; hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh; hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, dân tộc, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác.

 

Đáng chú ý, trong hội nhập kinh tế quốc tế, thành phố sẽ tiếp tục thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước. Thực hiện công bố thông tin, công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước nhằm công khai minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan nhà nước và của xã hội đối với doanh nghiệp nhà nước; từng bước tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng đối với doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

 

Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác thông tin dự báo, đánh giá đúng tình hình, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm duy trì và thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nâng cao chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài về chiều sâu, xây dựng và triển khai các biện pháp thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia vào đầu tư, kinh doanh tại Hà Nội.

 

Đồng thời, chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ về vốn, đào tạo, tiếp cận thông tin, công nghệ và thị trường; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm trọng điểm của thành phố; tập trung kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn, tạo giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Có cơ chế, chính sách để khuyến khích thu hút các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển trên địa bàn Thủ đô.

 

Cùng với đó, Thành phố sẽ tập trung phát triển thị trường tài chính - tiền tệ theo hướng bền vững, chất lượng, gắn với hội nhập; Phát triển thị trường lao động đồng bộ, thống nhất, hướng đến việc làm bền vững; Tiếp tục bảo đảm phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; Xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng cụ thể gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu có chiều sâu, hiệu quả và bền vững; Tập trung cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát triển các loại hình phân phối hiện đại và triển khai áp dụng thương mại điện tử, từng bước thiết lập mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, văn minh, coi trọng phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường. Tăng cường quản lý nhà nước về giá, ngăn chặn việc buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu…

 

Có thể thấy, với những nỗ lực không biết ngừng nghỉ, Hà Nội đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, góp phần tăng cường vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới. Tin tưởng rằng, trong giai đoạn mới, thành phố sẽ tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch nhiệm vụ đã đề ra, từng bước đưa Hà Nội ngang tầm với các quốc gia trên toàn cầu.

 

Hà Nội đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô trong quá trình hội nhập quốc tế. Theo đó, 5 năm tới, Hà Nội đặt mục tiêu hội nhập, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á; đến năm 2030, mục tiêu là ngang tầm các quốc gia châu Á và đến năm 2045 hướng tới hội nhập cạnh tranh toàn cầu.

 

Quỳnh Anh

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang