Thành phố an toàn, cởi mở
Để được UNESCO chọn là 1 trong 5 thành phố tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận Giải thưởng UNESCO - "Thành phố Vì hòa bình" năm 1999, Hà Nội đã đáp ứng hàng loạt tiêu chí đề ra như: Có thành tích tiêu biểu về các hoạt động trong các lĩnh vực cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy đoàn kết xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, giải quyết các vấn đề đô thị hóa, môi trường sinh thái…
Điều này có ý nghĩa quan trọng khi Hà Nội từng trải qua nhiều đau thương của hàng chục năm chiến tranh, nhưng đã chuyển mình trên mọi mặt và vươn lên mạnh mẽ. Những thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển của Thủ đô đã khơi dậy khát vọng, truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam và nguyện ước đó được quốc tế ghi nhận.
Đến nay Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được vinh danh là "Thành phố Vì hòa bình". Sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đã nhân lên niềm tự hào của chính quyền và nhân dân Thủ đô, thúc đẩy thành phố nghìn năm tuổi tiếp tục gìn giữ những truyền thống, bản sắc văn hóa quý báu và vững bước trên con đường phát triển.
Những thành tựu trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác trên mọi lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch, dịch vụ, đầu tư… thời gian qua đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Hiện thành phố đã trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, có quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô và thành phố trên khắp thế giới, tham gia tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng…
Những hình ảnh chân thực, xúc động và đầy tính biểu tượng đã khẳng định những giá trị thực sự tại "Thành phố Vì hòa bình".
Hình ảnh Thủ tướng Australia John Howard thong thả chạy bộ buổi sáng quanh hồ Hoàn Kiếm nhân dịp tới dự Hội nghị Cấp cao diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 14 năm 2006, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel đi dạo quanh khu vực Nhà thờ Lớn khi ông đến Hà Nội năm 2014, Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande đi bộ tới nhiều điểm đến văn hóa tại khu phố cổ Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngồi ăn bún chả tại quán bình dân trong chuyến công du Việt Nam năm 2016; Tổng thống Argentina Mauricio Macri thưởng thức cà phê vỉa hè khi thăm Việt Nam vào tháng 2-2019… đã làm nức lòng người dân Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng.
Những sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông khắp thế giới đã truyền tải chân thực một không gian bình yên, một thành phố an toàn, cởi mở, đậm đà bản sắc tới đông đảo bạn bè quốc tế.
Đây là một trong những yếu tố quan trọng khiến Hà Nội được bình chọn xếp thứ 12/25 điểm đến tốt nhất thế giới năm 2018; là một trong hai thành phố của Việt Nam lọt tốp "hot" nhất thế giới năm 2018 về lượng phòng du khách đặt trước và được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới đề cử là một trong 17 ứng viên vào hạng mục bình chọn giải thưởng “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2018”.
Tính đến hết năm 2018, tổng số khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 26,04 triệu lượt (tăng 9,3% so với năm 2017), trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 5,74 triệu lượt (tăng 16%). Tình hình chính trị, an ninh ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch đã đưa Hà Nội thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư thế giới. Trong năm 2018, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hà Nội đạt trên 7,5 tỷ USD và vươn lên dẫn đầu cả nước.
Năm 2016, khi thăm Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ B.Obama đã thưởng thức món bún chả nổi tiếng của Hà Nội.
Cầu nối hữu nghị, hòa bình
Danh xưng hòa bình, điểm đến hữu nghị một lần nữa được khẳng định khi Hà Nội được lựa chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai. Bên cạnh vai trò là Thủ đô - đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, nơi diễn ra phần lớn hoạt động đối ngoại của Nhà nước, Hà Nội đáp ứng đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, an ninh để tổ chức các hội nghị quốc tế quan trọng.
Sự an toàn, tận tình, chu đáo và chuyên nghiệp đã được chứng minh qua hàng loạt hội nghị quốc tế được tổ chức tại Thủ đô trong thời gian qua, một lần nữa lại được thể hiện qua việc Hà Nội tích cực chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên.
Với tinh thần trọng thị, nỗ lực tạo mọi điều kiện tốt nhất để bảo đảm an toàn cho các nhà lãnh đạo hai nước và các sự kiện của hội nghị diễn ra tốt đẹp, thành phố đã huy động toàn bộ nguồn lực, dốc sức chuẩn bị cho sự kiện quan trọng mang tầm thế giới một cách khẩn trương để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian rất ngắn.
Để thực hiện đồng bộ và quyết liệt các khâu trong công tác chuẩn bị cho hội nghị có ý nghĩa đặc biệt với đối ngoại đất nước và thành phố năm 2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã nhiều lần xuống tận đường phố để sát sao chỉ đạo công tác chuẩn bị một cách chu đáo và trọn vẹn nhất. Một không gian lễ hội đầy màu sắc rực rỡ của cờ, hoa tươi không chỉ cổ vũ niềm tự hào trong mỗi người dân Thủ đô mà còn để lại ấn tượng mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế về một thành phố hòa bình, mến khách.
Người dân thanh lịch, mến khách
Sau khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài trên chuyên cơ Không lực một, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã lập tức đăng tải trên mạng xã hội Twitter một dòng trạng thái bày tỏ cảm ơn đối với sự đón tiếp nồng hậu của các nhà lãnh đạo và người dân Hà Nội: "Tôi vừa mới đến Việt Nam. Xin cảm ơn tất cả mọi người vì sự đón tiếp tuyệt vời ở Hà Nội. Những đám đông rất lớn và rất nhiều tình cảm".
Không khí chào đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội cũng để lại dấu ấn đối với các phóng viên AFP. Hãng tin của Pháp viết: “Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tới Hà Nội và đông đảo người dân cổ vũ bằng cờ và hoa”. Báo chí quốc tế dành sự chú ý đến chi tiết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un chủ động hạ thấp cửa kính chống đạn ở khoang xe ông đang ngồi và vẫy tay chào người dân Việt Nam sáng 26-2, một hành động không có tiền lệ.
Trước đó, nhiều câu chuyện về người dân Thủ đô thân thiện, niềm nở, sẵn sàng giúp đỡ nhiệt tình các vị khách quốc tế đã được chia sẻ rộng rãi. Tự nguyện trang trí cửa hàng chào đón Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, cung cấp dịch vụ cắt tóc miễn phí, tổ chức các chuyến du lịch, trải nghiệm, khám phá thành phố cho phóng viên nước ngoài không chỉ là sự quảng bá hình ảnh mà còn thể hiện những tình cảm trân trọng mà chính quyền và người dân Hà Nội dành cho hội nghị cũng như đông đảo phóng viên quốc tế đến với Thủ đô dịp này…
Như thế có nghĩa rằng niềm mong mỏi góp phần xây dựng Hà Nội và phát huy những giá trị của "Thành phố Vì hòa bình" đã trở thành niềm vinh dự, ý thức tự nhiên dần ăn sâu vào tiềm thức, được hiện thực hóa trong từng hành động của người dân Thủ đô. Ngược lại, cũng chính những việc làm bình dị nhất của từng người dân thành phố đang ngày ngày vun đắp, xây dựng nên một đời sống văn hóa mới góp phần gìn giữ thành phố văn hiến, hòa bình.
Đây chính là phương thức hiệu quả nhất, bền vững nhất để đưa hình ảnh Hà Nội thân thương và thanh lịch ra thế giới như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhiều lần khẳng định: “Mỗi người dân là một sứ giả quảng bá cho hình ảnh Thủ đô thân thiện, mến khách, xứng đáng với danh hiệu Hà Nội - "Thành phố Vì hòa bình".
Nguồn Hanoimoi