Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 28/6/2016 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020", những năm qua, Hà Nội đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, quan hệ đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, tăng cường quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị và góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài.
Đến nay, Hà Nội đã thiết lập được mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới, duy trì vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, là thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế. 32 thỏa thuận quốc tế trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chương trình hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao, quản lý đô thị bền vững, giáo dục và đào tạo, y tế… đã được ký kết. Các cuộc thăm viếng, tiếp đón, làm việc với các đoàn khách quốc tế của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã trở thành hoạt động thường xuyên, khoảng 250 lượt/năm.
Với việc xác định nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tiếp tục củng cố quan hệ đã thiết lập với các thủ đô, thành phố các nước; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài và tài trợ quốc tế; tích cực tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu... là nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo và người dân Thủ đô đã truyền tải thông điệp: Hà Nội luôn chào đón và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu thị trường, đầu tư trên địa bàn, khuyến khích và tích cực hỗ trợ các hoạt động giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục, môi trường...
Nhờ những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, Hà Nội từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Điều này được thể hiện rõ qua những con số cụ thể, vốn đầu tư nước ngoài của Hà Nội năm 2019 đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp dẫn Hà Nội đầu cả nước. Trong 9 tháng năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội ước đạt 3,28 tỷ USD. Lũy kế giai đoạn 2016-2020 ước đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011-2015. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 12,8% về vốn, 10,4% về thu ngân sách của thành phố; góp phần chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.
Đại diện lãnh đạo TP Hà Nội và Tập đoàn Tân Hoàng Minh ký kết biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư dự án Thành phố vệ tinh thông minh Xuân Mai Smart City
Những thành công này không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội mà còn tạo sự lan tỏa cho cả vùng kinh tế, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” cuối tháng 6 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhận định rằng, với vị thế mới, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà trong dòng chảy lịch sử 1010 năm của mình, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á.
Nhận định này hoàn toàn đúng đắn, bởi, trong 5 năm qua, trong nỗ lực hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế Thủ đô trong khu vực và thế giới, trở thành thành phố kết nối toàn cầu và có sức cạnh tranh quốc tế, Hà Nội đã tích cực mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế. Đó là việc tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn, như Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai (tháng 2-2019), hay gần đây là Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển" - hội nghị có ý nghĩa biểu tượng, lan tỏa mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối phó với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Điều này cho thấy năng lực, sự tin tưởng, uy tín trong các sự kiện lớn, cũng là cơ sở để các nhà đầu tư lựa chọn nhờ môi trường hòa bình và ổn định.
Có thể thấy, khi hội nhập quốc tế và hợp tác đa phương trở thành xu hướng chủ đạo toàn cầu, mang trong mình tầm vóc của Thủ đô, Hà Nội đã hòa mình vào dòng chảy của thời đại./.
Q.A