Rõ nhất là chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội từ ngày 16-2 đến 22-2. Theo đó, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội duy trì ở hai trạng thái: Mức tốt và trung bình trong 3 ngày đầu tuần; mức xấu và rất xấu vào những ngày cuối tuần.
Kết quả phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho thấy, tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị là: Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, chất lượng không khí xấu hơn tuần trước nhưng được cải thiện so với ở trạm khác. Chỉ số AQI tại các trạm này chủ yếu duy trì mức tốt, trung bình, kém.
Tại hai điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông ở UBND phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và Phạm Văn Đồng có diễn biến xấu hơn nhiều so với tuần trước, chỉ số AQI ở mức trung bình và kém trong 4 ngày đầu tuần; ở mức xấu và rất xấu trong 3 ngày cuối tuần. Chỉ số AQI cao nhất tại 2 trạm này trong tuần lần lượt là 258 và 248.
Tương tự, tại các trạm quan trắc nội đô: Hàng Đậu, Hoàn Kiếm và Thành Công, chất lượng không khí cũng xấu hơn tuần trước. Đặc biệt, trong ngày 21 và 22-2, không khí luôn ở ngưỡng rất xấu (từ 217-243) - mức 5/6 trong thang đo chất lượng không khí…
Theo ông Phạm Hải Dương - Phụ trách Trung tâm Xử lý dữ liệu quan trắc môi trường (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội), chất lượng không khí ở Thủ đô ngày càng xấu một phần là do tác động của lưu lượng tham gia giao thông hằng ngày trên đường phố và thời tiết. Cụ thể, những ngày đầu tuần, Hà Nội chìm trong không khí lạnh, trời ít mây, có gió đông bắc nên khói bụi và các chất ô nhiễm được khuếch tán. Tuy nhiên, thời điểm giữa và cuối tuần, nhiệt độ tăng dần kèm gió đông nam mang hơi ẩm vào đất liền gây hiện tượng nghịch nhiệt, sáng sớm và đêm xuất hiện sương mù dày đặc đẩy các chất ô nhiễm bởi hoạt động giao thông, xây dựng, đốt rác... xuống sát mặt đất nên đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, chất lượng không khí tại Hà Nội vẫn rất xấu chứng tỏ có những nguồn gây ô nhiễm khác như hoạt động sản xuất trở lại sau Tết Nguyên đán của các làng nghề; khu, cụm, điểm công nghiệp, các nhà máy sản xuất gạch, xi măng, đốt rác... từ khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận.
Để hạn chế ô nhiễm không khí, hiện nay, thành phố Hà Nội đang phối hợp với các chuyên gia Pháp xây dựng phương án cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn. Trong năm 2020, thành phố sẽ hoàn thiện đồng bộ 81 trạm quan trắc không khí trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Đồng thời, căn cứ vào Luật Thủ đô, các sở, ngành tham mưu UBND thành phố tăng nặng xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, ông Hoàng Dương Tùng đề xuất, thành phố Hà Nội cần có lộ trình giảm sử dụng phương tiện cá nhân, tăng dần loại hình phương tiện công cộng nhằm góp phần giảm ô nhiễm không khí khu vực nội đô. Các cơ quan chức năng của Hà Nội cần tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các xe chở vật liệu, phế thải xây dựng không đúng quy chuẩn, không phủ bạt che chắn, chở quá tải, làm rơi vãi ra đường. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cần tiếp tục kiểm soát tận gốc nguồn gây ô nhiễm ở các làng nghề, cụm công nghiệp…
Trước mắt, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khuyến cáo người dân hạn chế ra đường; trong trường hợp phải ra đường cần đeo khẩu trang để giảm thiểu tác động từ ô nhiễm không khí tới sức khỏe cá nhân và cộng đồng.
Theo Báo Hà Nội Mới