Hà Nội tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch
Mở đầu cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh biểu dương những nỗ lực của các đơn vị, địa phương, trong đó đặc biệt là những lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, các tổ giám sát cộng đồng... đã rất tích cực truy vết, dập dịch kịp thời. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đánh giá, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song với sự vào cuộc nhanh chóng của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã theo kịp diễn biến của dịch, cơ bản kiểm soát được dịch.
"Thực tiễn trong thời gian qua, chúng ta đã đuổi kịp, làm chủ tình hình và kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn. Những ca F0 mới xuất hiện trong những ngày qua hầu hết đã được kiểm soát và được chủ động xử lý trước đó. Kết quả, đã bảo đảm lời hứa với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố là kiểm soát dịch, bảo đảm nhân dân trên địa bàn Thủ đô đón Tết an vui, ấm áp, an toàn trước dịch bệnh; đồng thời, vẫn bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh, giao thương hàng hóa và mọi hoạt động quan trọng khác của đời sống xã hội...", đồng chí Chu Ngọc Anh nói.
Liên quan đến việc phát hiện bệnh nhân mới người Nhật Bản tử vong tại khách sạn Somerset West Point, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lưu ý các lực lượng cần tập trung nhanh chóng việc truy vết, dập dịch. Hiện nay, theo Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 3-2-2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Hà Nội cũng đã xây dựng các kịch bản trong hoạt động phòng, chống dịch trước, trong và sau Tết, thành phố luôn đặt công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu.
Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch thành phố những công việc thời gian tới, đó là: Khi nhân dân các địa phương khác trở lại Hà Nội làm việc sau kỳ nghỉ Tết, Hà Nội cần phải có phương án kiểm soát dịch, tổ chức khai báo y tế đối với những người từ các vùng dịch, cần tăng cường hoạt động của các tổ giám sát cộng đồng, cảnh sát khu vực và các đoàn thể khác; các nhà trọ cần phải nắm bắt tình hình những người đến lưu trú; cung cấp đầy đủ trang thiết bị y tế cho đội ngũ phòng, chống dịch; lực lượng y tế phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị, các địa phương phải quản lý tốt các hoạt động đầu xuân. Mặc dù thành phố đã dừng các hoạt động lễ hội nhưng người dân vẫn đi lễ chùa khá đông, vì thế các địa phương cần yêu cầu các cơ sở tín ngưỡng, đình, đền, chùa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
"Chúng ta đã làm tốt rồi nhưng vẫn cần làm tốt hơn nữa, tăng cường giám sát, kiểm tra để kiểm soát tốt hơn nữa tình hình dịch", Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Giám sát y tế những người từ vùng dịch về Hà Nội sau Tết Nguyên đán
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong các ngày 13 đến 15-2 ghi nhận 5 ca mắc mới. Tính riêng đến 12h ngày 15-2, Hà Nội ghi nhận 2 trường hợp mới dương tính. Đó là bệnh nhân N.T.H, nữ, 24 tuổi (số 14/4B Điện Biên, Ba Đình), làm việc tại Công ty TNHH Mitsui Việt Nam. Bệnh nhân thứ hai là Suzuki Toshio, nam, 43 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, nhân viên Công ty Mitsui tại 23 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm (khách sạn Somerset West Point, số 2, Quảng An, Tây Hồ), được xác định là tiếp xúc gần với BN N.T.H (họp cùng ngày 2-2-2021). Lũy tích đợt 4, Hà Nội ghi nhận 35 ca mắc, chưa có ca tử vong. Tính tổng từ đầu năm 2020, Hà Nội có 239 ca mắc, chưa có tử vong.
Hà Nội có 1.028 F1, trong đó có 55 trường hợp F1 mới. Thành phố đã xét nghiệm được 1.028 trường hợp, trong đó có 29 trường hợp dương tính, 947 trường hợp âm tính, còn lại 52 trường hợp chưa có kết quả. Số F2 là 10.970, trong đó có 198 trường hợp mới. Hà Nội đã thực hiện xét nghiệm hơn 18.000 người đi từ vùng dịch Hải Dương, Quảng Ninh từ ngày 1-1-2021; xét nghiệm hơn 17.000 người tại các điểm có liên quan đến ca mắc tại Hà Nội; xét nghiệm cho hơn 12.000 người tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Nhận định và dự báo tình hình dịch thời gian tới, ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng, Hà Nội vẫn ghi nhận thêm các ca bệnh ngoài cộng đồng và các ca bệnh là F1 đã được cách ly tập trung. Nguy cơ về dịch bệnh bùng phát vẫn ở mức cao, đặc biệt là sau Tết khi người dân từ các tỉnh, thành phố khác trở lại Hà Nội làm việc.
Vì thế, Sở Y tế Hà Nội đề xuất, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện phòng, chống dịch theo thông điệp "5K" (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Khai báo y tế - Không tập trung đông người), trong đó đặc biệt là yêu cầu bắt buộc nhân dân đeo khẩu trang; các cơ quan công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn cần nghiêm túc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là những người lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở về Hà Nội làm việc. Theo ông Hoàng Đức Hạnh, riêng với những người trở về từ vùng dịch, trong đó có Hải Dương, Quảng Ninh... cần phải được giám sát y tế chặt chẽ.
Về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, ngay khi phát hiện ca mắc mới, quận đã tiến hành phong tỏa, phun khử khuẩn khách sạn Somerset West Point; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm khách và nhân viên khách sạn tại đây và đều cho kết quả âm tính. Liên quan đến bệnh nhân Nhật Bản nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên địa bàn quận Tây Hồ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu quận Tây Hồ phải tiến hành truy vết tới những trường hợp F3.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, đã thực hiện phun khử khuẩn tòa nhà 23 Phan Chu Trinh có liên quan đến bệnh nhân người Nhật Bản; lấy mẫu xét nghiệm 105 người, thực hiện tuyên truyền và xử phạt những người không đeo khẩu trang. Trong ngày mùng 3 Tết, quận xử phạt 10 trường hợp không đeo khẩu trang.
Trong khi đó, quận Ba Đình cho biết, đã thực hiện truy vết những trường hợp liên quan đến bệnh nhân N.T.H, thực hiện lẫy mẫu, xét nghiệm. Hiện kết quả xét nghiệm bố mẹ của bệnh nhân này đã cho kết quả âm tính. Huyện Mê Linh cho biết tiếp tục kiểm soát chặt chẽ ổ dịch tại xã Chiến Thắng...
Tại cuộc họp, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ kích hoạt lại hệ thống loa phường để tăng cường tuyên truyền cho người dân. Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, hiện các điểm di tích đang bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch. Sở Văn hoá và Thể thao đề nghị thành phố xem xét việc tạm đóng cửa các di tích này. Sở Du lịch báo cáo, đã phối hợp với các đơn vị lữ hành thông tin tới du khách trong công tác phòng, chống dịch.
Từ 0h ngày 16-2, đóng cửa các quán ăn đường phố, quán trà đá, cà phê, các điểm di tích
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đánh giá, trong 2 ngày qua, tình hình dịch có diễn biến mới, trong đó có ca bệnh người Nhật Bản tử vong tại khách sạn Somerset West Point và 2 ca liên quan. Hiện tình hình dịch có nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng, khi các bệnh nhân này có lịch trình di chuyển phức tạp, truy vết khó khăn.
Đồng chí Chử Xuân Dũng đề nghị các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, UBND thành phố Hà Nội, trong đó có Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 3-2-2021 về việc thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị tiếp tục tập trung cao độ trong việc truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly các trường hợp F0, F1 đã phát hiện trong 2 ngày qua; tuyên truyền để người dân tự giác hơn trong việc khai báo y tế; thực hiện truy vết thần tốc và thực hiện xét nghiệm các trường hợp F2, F3. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cần có định hướng xét nghiệm ngẫu nhiên những nơi nguy cơ cao như các khu công nghiệp, đặc biệt là những khu có người đi từ các vùng dịch, hay những nơi có chuyên gia nước ngoài đến làm việc; tiếp tục nâng cao ý thức phòng dịch tại các bệnh viện, khách sạn, phòng khám; tuyên truyền phòng dịch theo thông điệp "5K" (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Khai báo y tế - Không tập trung đông người), đặc biệt là việc đeo khẩu trang.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đồng ý với đề xuất của các đơn vị. Trong đó, thành phố đồng ý đóng cửa các quán ăn đường phố, các quán trà đá, cà phê; tạm thời dừng việc mở cửa các điểm di tích. Thống nhất đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh các cấp nghỉ học đến 28-2, thực hiện học trực tuyến.
Các địa phương cần thực hiện kê khai y tế nghiêm túc, đầy đủ, khẩn trương với những người từ các tỉnh trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu; lấy mẫu xét nghiệm những người về từ Cẩm Giàng (Hải Dương). Các tổ dân phố, tổ giám sát cộng đồng thực hiện kê khai y tế nghiêm túc với những người về từ Hải Dương; tuyên truyền người dân hạn chế ra ngoài khi không cần thiết; kiểm soát những trường hợp nhập cảnh trái phép.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các địa phương sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ", bảo đảm các kịch bản, tình huống phòng, chống dịch có thể xảy ra để kịp thời ứng phó; các phòng khám, quầy thuốc cần cảnh giác với những trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở đến mua thuốc. Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục giám sát việc tổ chức lễ hội đầu năm. Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền, chỉ đạo các cơ quan truyền thông nâng cao hơn nữa thông tin cho người dân, đặc biệt là việc chủ động khai báo ý tế. Sở Giao thông Vận tải hoàn thiện phương án vận chuyển hành khách, bảo đảm công tác phòng, chống dịch...
Theo Hanoimoi