Thứ Năm, 21/11/2024 20:31:03 GMT+7
Lượt xem: 1134

Tin đăng lúc 03-05-2024

Hà Nội: Ứng dụng công nghệ số rộng cửa đầu ra cho sản phẩm OCOP

Hà Nội đã và đang dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Câu chuyện phát triển thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm OCOP được thành phố quan tâm, các chủ thể chú trọng. Từ thực tế triển khai phát triển thị trường của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long cho thấy, chuyển đổi số đã mở rộng cánh cửa đầu ra cho sản phẩm OCOP, vừa gia tăng giá trị doanh nghiệp vừa trao tiện ích đến tận tay người tiêu dùng.
Hà Nội: Ứng dụng công nghệ số rộng cửa đầu ra cho sản phẩm OCOP
Hiện nay, Công ty cổ phần Nông nghiệp CNC Thăng Long có 12 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Các sản phẩm có chất lượng cao, bao bì bắt mắt. Thông tin các sản phẩm được ghi trên website: www.sadu.com.vn

Chương trình OCOP tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm

 

Theo thống kê, Hà Nội có 2.711 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên. Những năm qua, Hà Nội luôn xác định phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện Chương trình OCOP là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa rất lớn nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

 

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó CVP Văn phòng điều phối Chương trình NTM Hà Nội cho biết: Các sản phẩm OCOP của thành phố, nhất là những sản phẩm đạt 4 sao trở lên đã khẳng định vị thế tại thị trường trong nước, bước đầu vươn ra thế giới như sản phẩm Gốm Bát Tràng, Lụa tơ tằm Mỹ Đức. Để đưa nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội ra thị trường trong nước và tiếp cận thị trường quốc tế, Hà Nội đã hỗ trợ các chủ thể OCOP hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng thiết kế mẫu mã; hỗ trợ các chủ thể nói riêng và làng nghề nói chung; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại. Từ đó, giúp sản phẩm OCOP  trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ. Hà Nội mong muốn sản phẩm OCOP của thành phố không chỉ đại diện cho Thủ Đô mà còn là sản phẩm tiên phong của Việt Nam khi xuất khẩu.

 

 

Văn phòng điều phối NTM Hà Nội đã ký hợp đồng Hợp tác chiến lược với Tik Tok để nâng cao năng lực số và tuyên truyền quảng bá sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội

 

Thực tế cho thấy, tham gia Chương trình OCOP các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm,…trên địa bàn thành phố đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là tư duy sản xuất, trách nhiệm với cộng đồng. Các sản phẩm đã thay đổi cả phần “xác” và phần “thịt” đã và đang đáp ứng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng.

 

Ông Phan Trung Kiên - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long chia sẻ: Chúng tôi tham gia Chương trình OCOP của thành phố từ năm 2020. Đến nay, Công ty có 12 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Trong đó có sản phẩm trà cà gai leo SADU đã và đang phân phối rộng khắp trên thị trường cả nước và được người tiêu dùng đón nhận. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi đã lên quy trình kiểm soát rất chặt chẽ ở tất cả các khâu, từ nguồn nguyên liệu đến thành phẩm. Khi tham gia vào Chương trình OCOP, thực hiện các tiêu chí trong đó càng làm cho hoạt động sản xuất của công ty bài bản hơn, sản phẩm của Công ty hoàn thiện hơn. Để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến liên kết chuỗi theo hướng chuyên sâu, trọng điểm; tức là đồng hành với các hộ sản xuất nguyên liệu quy mô lớn, theo quy trình chuẩn đảm bảo song hành lợi ích doanh nghiệp và người nông dân với mục tiêu mang lại giá trị, lợi ích sức khỏe cho người tiêu dùng.

 

 

 Ông Phan Trung Kiên - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long nhận Chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 4 sao năm 2023 do Thành phố Hà Nội công nhận

 

Ứng dụng công nghệ số đẩy mạnh đầu ra sản phẩm

 

Chương trình OCOP thành phố Hà Nội đã tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp nghiệp, các cơ sở sản xuất tạo thế và lực mới cho sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp ở các địa phương. Bên cạnh câu chuyện hoàn thiện sản phẩm cả về chất và lượng, vấn đề đặt ra được các chủ thể hết sức quan tâm là làm sao để mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu.

 

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó CVP Văn phòng điều phối Chương trình NTM Hà Nội, hiện nay chúng ta đã và đang bước vào kỷ nguyên số. Các chủ thể OCOP cần nắm bắt và chuyển đổi mạnh mẽ để tiếp cận người tiêu dùng rộng rãi hơn. Bên cạnh hình thức bán hàng truyền thống tại các điểm bán hàng, cần tăng cường hình thức bán hàng online, livestream qua các nền tảng mạng xã hội như: Facebook và Fanpage, App Store, Google play, Zalo,…

 

 

Ông Phan Trung Kiên - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long tham gia tham lụân tại Hội nghị cấp Bằng công nhận làng nghề, sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2023(ngày 12/4/2024)

 

Chia sẻ kinh nghiệm bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, ông Phan Trung Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Thăng Long cho biết: Chúng tôi bắt đầu trồng cà gai leo từ năm 2015 trên diện tích khoảng 15ha theo quy trình chuẩn riêng do chúng tôi nghiên cứu xây dựng. Ban đầu, theo tính toán cơ học, với diện tích trồng đó, chỉ cần bán nguyên liệu cà gai leo là chúng tôi có thể giàu rồi. Tuy nhiên, thị trường thay đổi rất nhanh, người trồng cà gai leo nhiều hơn, giá thành hạ xuống; một số đơn vị thu mua với giá mà chúng tôi không thể “sống” nổi. Trước đòi hỏi bức thiết phải tiêu thụ rất nhiều tấn cà gai nguyên liệu, chúng tôi đã chế biến thành trà cà gai leo thô sơ sấy khô, đóng túi đơn giản, nhãn mác sơ sài. Để bán hàng, tôi và một số đồng nghiệp bắt đầu đăng trên trang mạng cá nhân, bán cho người quen. Ấy vậy mà có ngày bán được cả trăm cân.

 

Sau đó, nhận thấy việc để sản phẩm như thế, bán hàng theo cách đó không ổn, không thể tiêu thụ được số lượng cà gai leo lớn như thế, chúng tôi đã kết hợp với một số nhóm “chạy onlien”, hiệu quả bán hàng cũng khá hơn. Trong quá trình đó, chúng tôi nhận thấy, ngoài kia, khách hàng của mình không phải là người quen, họ không biết mình là ai nên phải thay đổi bao bì, nhãn mác. Đến nay, Công ty đã sản xuất và bán nhiều loại sản phẩm trên thị trường với thương hiệu cà gai leo Sa Du như: Cà gai leo nguyên chất, cà gai leo túi lọc, cà gai leo hòa tan và viên nang cà gai leo có tác dụng mát gan, tiêu độc và nhiều công dụng khác nhau được ghi đầy đủ thông tin trên nhãn mác, thuận tiện cho người tiêu dùng. Mỗi sản phẩm đều có mã vạch, dễ dàng truy xuất nguồn gốc nên nhận được niềm tin tưởng từ khách hàng sử dụng.

 

Cùng với sự thay đổi sản phẩm, chúng tôi đã xây dựng được đội ngũ Sel online, đội livestream, xây dựng các kênh bán hàng online như các trang facebook: SADU, Trà cà gai leo SADU, Kỹ sư nông nghiệp SADU - Phan Trung Kiên, Trà túi lọc cà gai leo SADU,... Bản thân tôi là kỹ sư nông nghiệp nhưng cũng phải học livestream bán hàng, cũng khá vất vả,…

 

 

 Chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, bao bì mẫu mã hiện đại tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của chủ thể OCOP trên thị trường online. (Ảnh một sản phẩm mới của Công ty CP Nông nghiệp CNC Thăng Long)

 

Nói về hiệu quả bán hàng online, ông Phan Trung Kiên chia sẻ: Chúng tôi xác định online là kênh bán hàng chính vì nó dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn, giảm thiểu chi phí bán hàng. Tuy nhiên, câu chuyện bán hàng online cũng không hề dễ dàng. Có thời điểm, chúng tôi bán được đến 3 tỷ doanh thu nhưng hạch toán vẫn lỗ. Hiện nay, trà cà gai leo SADU đã có vị trí khá vững chắc trên thị trường. Doanh thu bình quân đạt khoảng trên 1 tỷ đồng/tháng. Vì vậy, tôi cho rằng, đối với các chủ thể OCOP, việc triển khai ứng dụng công nghệ số là hết sức cần thiết. Nhưng để triển khai được, các chủ thể phải phá bỏ tư duy bảo thủ trong sản xuất, phải nắm bắt, lắng nghe thị trường để đổi mới sản phẩm; dám đầu tư và chấp nhận rủi ro; tất nhiên phải trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng để có những quyết định đầu tư phù hợp.

 

Câu chuyện ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Công nghệ cao Thăng Long là một trong nhiều ví dụ điển hình của chủ thể OCOP mạnh dạn đổi mới, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả cao trong bán hàng. Luôn có thách thức trong đó, nhưng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số là con đường tất yếu mà các chủ thể OCOP sẽ phải “nhảy vào” để đi được xa hơn.

 

Minh Ngọc

 

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang