Theo đó, đối tượng áp dụng bao gồm các cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng đang trong giai đoạn thiết kế, vận hành hoặc cải tạo lại có tổng diện tích sàn 2.500m2 trở lên. Các cơ sở đạt 100 điểm sẽ đạt danh hiệu cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm xanh và công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh, thời hạn công nhận danh hiệu là 3 năm.
Tiêu chí đánh giá đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là 8 tiêu chí gồm: Thực hiện kiểm toán năng lượng (15 điểm); mô hình quản lý năng lượng (15 điểm); nhân lực quản lý năng lượng (10 điểm); có chứng nhận ISO 50001 còn hiệu lực (5 điểm); tổng mức tiết kiệm thu được từ tất cả các giải pháp (5 điểm); các giải pháp tiết kiệm năng lượng có mức tiết kiệm cao nhất (20 điểm); hiệu quả kinh tế khi thực hiện dự án đầu tư theo thời gian hoàn vốn trung bình (15 điểm); điện tự sản xuất từ năng lượng mặt trời (5 điểm).
Đối với các công trình xây dựng là 10 tiêu chí, mỗi tiêu chí 10 điểm gồm: Có sử dụng trang thiết bị giám sát, điều khiển vận hành tự động để quản lý năng lượng hiệu quả; thiết bị thuộc danh mục phải dán nhãn năng lượng được sử dụng trong công trình xây dựng chiếm từ 50% trở lên; cách nhiệt tường bao quanh; tổng diện tích thông gió tự nhiên tối thiểu bằng 5% tổng diện tích mặt sàn xây dựng; hệ thống điệu hòa không khí; mật độ công suất chiếu sáng trung bình trong công trình đạt yêu cầu kỹ thuật;...
Hiện dự thảo tiêu chí đang trong quá trình xin ý kiến đóng góp lần cuối và hoàn thiện. Nhiều ý kiến cho rằng, tiêu chí đánh giá này khi đưa vào áp dụng sẽ có vai trò thúc đẩy các hoạt động về sử dụng năng lượng TKHQ trong các cơ sở, các dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, đồng thời ứng dụng rộng rãi trang thiết bị hiệu suất cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ tiết kiệm năng lượng, từ đó giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Theo số liệu Quy hoạch phát triển điện lực TP. Hà Nội giai đoạn 2011-2015, có xét đến 2020 của Viện Năng lượng thì ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều nhất chiếm 42%, tiếp đến là dân dụng và tòa nhà (29%), giao thông vận tải (18%), dịch vụ thương mại (10%) và nông nghiệp 1%. Chính vì vậy, việc tiết kiệm năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng có ý nghĩa lớn trong việc tiết kiệm năng lượng.
Ông Đào Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội - cho hay: Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng là rất lớn. Cụ thể, các công trình mới, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng đồng bộ từ khi triển khai đến khi xây dựng có thể tiết kiệm 30 - 40% năng lượng; các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo, thực hiện kiểm toán năng lượng, các giải pháp tiết kiệm năng lượng có thể tiết kiệm 15 - 25%...
Nguồn Báo Công Thương điện tử