Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm cụ thể hóa triển khai Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng Vườn ươm doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin (CNTT) đổi mới sáng tạo Hà Nội với đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại và hội tụ các chuyên gia giỏi, có đủ khả năng hỗ trợ doanh nghiệp CNTT Hà Nội khởi nghiệp, ươm tạo những ý tưởng đổi mới sáng tạo ban đầu trở thành những sản phẩm; Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học công nghệ và thị trường; Giúp các DN khởi nghiệp vượt qua khó khăn ban đầu, giảm thiểu rủi ro và chi phí; Hỗ trợ và thúc đẩy việc thương mại hóa và ứng dụng sản phẩm vào cuộc sống, tạo ra doanh thu và lợi nhuận.
Đề án đặt mục tiêu cụ thể là một chu kỳ ươm tạo (3 năm) tiếp nhận tối thiểu 12 DN khởi nghiệp, kết quả ươm tạo đạt 70% DN có khả năng tồn tại và thành công tốt nghiệp vườn ươm, trong đó có 5 DN gọi được vốn đầu tư lần đầu và hỗ trợ thương mại hóa tối thiểu 2 ý tưởng kinh doanh.
Đồng thời, tổ chức đào tạo tối thiểu 10 môn học/khóa học/năm, trang bị các kỹ năng cơ bản cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, cung cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, các dịch vụ tư vấn thiết yếu nhằm phát triển các ý tưởng sáng tạo, nâng cao năng lực, sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường, vốn đầu tư, kỹ thuật, công nghệ cho các DN khởi nghiệp trong vườn ươm; Kết nối được ít nhất 15 đối tác (trong 3 năm) là các nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức tài chính, tổ chức khoa học công nghệ và DN; Kết nối với các DN CNTT, các chuyên gia giỏi, các doanh nhân thành công để cùng hỗ trợ thúc đẩy hoạt động vườn ươm có hiệu quả.
Theo đề án, Vườn ươm DN CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT) do Trung tâm Giao dịch CNTT và Truyền thông trực tiếp quản lý, điều hành và được đặt tại Tòa nhà Trung tâm Giao dịch CNTT và Truyền thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội. Đối tượng được ươm tạo tại Vườn ươm DN CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội là cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, DN khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, ý tưởng công nghệ mới, sáng tạo đổi mới thuộc lĩnh vực CNTT. Đối với DN khởi nghiệp, thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.
Về kế hoạch và kinh phí phát triển Vườn ươm DN CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, chuẩn bị cơ sở vật chất, các điều kiện cho hoạt động của Vườn ươm quý IV/2016. Mặt sàn triển khai với diện tích 400m2. Kinh phí triển khai là 3.234.000.000 đồng. Dự kiến thời gian khai trương vào ngày 1/1/2017; Giai đoạn 2, từ năm 2017-2019, kinh phí triển khai là 3.744.000.000 đồng. Trong đó, kinh phí bảo đảm hoạt động của vườn ươm (tạm tính mỗi năm) là 1.120.000.000 đồng. Kinh phí hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại là 120.000.000 đồng; Giai đoạn 3, từ năm 2020. Trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn 2, vườn ươm sẽ được đánh giá và chuyển sang mô hình hoạt động mới. Thành phố tiếp tục hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo quy định hiện thành.
Về cơ chế chính sách, đề án nêu rõ, Vườn ươm DN CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội được hưởng các cơ chế, chính sách của thành phố cho việc nuôi dưỡng, hỗ trợ các DN khởi nghiệp phát triển. Cụ thể, cơ chế chính sách chung của thành phố đối với các DN khởi nghiệp: Hỗ trợ hoạt động truyền thông, kết nối thông tin giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp thủ đô Hà Nội; Hỗ trợ về vốn, các thủ tục pháp lý cho khởi nghiệp; Nằm trong các chương trình hợp tác trong nước và quốc tế trong hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố. Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho xây dựng và duy trì hoạt động của vườn ươm; Được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của thành phố.
Thành phố cũng sẽ miễn chi phí sử dụng mặt bằng đối với vườn ươm, hỗ trợ sử dụng không gian làm việc tại vườn ươm. DN chỉ phải trả các khoản chi phí khi sử dụng dịch vụ khác của vườn ươm như thông tin liên lạc, nước sinh hoạt, văn phòng phẩm, in ấn, sao chụp tài liệu, các dịch vụ hỗ trợ kế toán, kê khai thuế, sửa chữa thiết bị....
Nguồn Báo Công Thương