Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội, trong tháng cao điểm cận Tết nguyên đán Canh Tý ( tính từ 15/11 đến 15/12/2019), lực lượng Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội đã kiểm tra tổng số 624 vụ việc vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh hàng hóa, với tổng số tiền xử lý hơn 6,2 tỷ đồng. Trong năm 2019, tính đến ngày 20/12, tổng số vụ việc vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh hàng hóa kiểm tra là 8.838 vụ, tổng số tiền xử lý là hơn 110 tỷ đồng.
Về tình hình thị trường cuối năm, đại diện Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội nhận định, hoạt động kinh doanh thương mại, hàng hóa phục vụ Tết có nhiều diễn biến sôi động. Một số mặt hàng tiêu dùng dự báo có biến động về giá do nhu cầu tiêu dùng tăng cao: Thực phẩm tươi sống, đông lạnh như thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm…; thực phẩm công nghệ như rượu, bia, bánh, mứt, kẹo… Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả mạo xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam; hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc và kém chất lượng dự báo tiềm ẩn nguy cơ cao.
Các đối tượng vi phạm lợi dụng tình hình thị trường có nhiều biến động để gia tăng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm… Theo đó, Cục quản lý thị trường Thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm là công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kết hợp chặt chẽ công tác tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn hiểu biết và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường. Đồng thời kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết để tạo khan hiếm giả tạo, đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp pháp, trà trộn đưa ra lưu thông hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm…
Để hoàn thành nhiệm vụ công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phục vụ nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 an toàn, lành mạnh, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm. Trong đó yêu cầu các Đội quản lý thị trường quán triệt ý kiến chỉ đạo tại Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, UBND Thành phố… về triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo cung cầu, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2020.
Đặc biệt, xác định trọng tâm nhiệm vụ của Cục Quản lý thị trường Hà Nội là công tác đấu tranh, phòng chống buôn bán hàng lậu, hàng cấm; thực phẩm nhập lậu; gian lận thương mại… nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, dịch vụ. Song song hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lưu thông hàng hóa đảm bảo chất lượng, góp phần bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa, phục vụ nhân dân Thủ đô và cả nước dịp Tết Canh Tý 2020.
Chỉ đạo các đội quản lý thị trường địa bàn tập trung quản lý tốt địa bàn, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát kho hàng, các điểm tập kết hàng hóa, các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng như: Bánh mứt, kẹo, rượu bia, thực phẩm tươi sống…
Chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu UBND, Ban chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã có biện pháp quản lý, giải pháp hữu hiệu đẩy mạnh công tác chống hàng giả, hàng vi phạm, hàng không đảm bảo chất lượng… Đồng thời chỉ đạo các Đội quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng địa phương, Sở, ban, ngành như Công thương, Y tế, nông nghiệp... tăng cường kiểm soát chặt chẽ thị trường, xử lý vi phạm trên địa bàn. Chú trọng kiểm tra, kiểm soát hoạt động lưu thông, giám sát chất lượng hàng hóa tại các chợ, chợ dân sinh, trung tâm thương mại. Kiên quyết không để tình trạng bày bán công khai rượu không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng cấm, hàng lậu xảy ra các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, phức tạp do ngộ độc thực phẩm, tiêu dùng rượu không rõ nguồn gốc.
Chỉ đạo các Đội quản lý thị trường cơ động tăng cường công tác phối hợp thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến hết 28/2/2020. Tập trung kiểm tra, xử lý tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng cấm, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm trên môi trường mạng thông tin điện tử.
Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương chủ động theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường hàng hóa Tết; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, triển khai dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo cung cấp đủ nguồn hàng hóa tiêu dùng đảm bảo chất lượng cho nhân dân; chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng địa phương tăng cường công tác xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá. |
Theo VietQ