Theo đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra 2.724 vụ, xử lý 2.505 vụ; khởi tố 12 vụ đối với 15 đối tượng; thu nộp ngân sách hơn 552,5 tỷ đồng; xử phạt hành chính 190,8 tỷ đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh, kiểm tra 361,7 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là các nhóm mặt hàng thuốc lá, quần áo, đồ thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm...
Vào thời điểm gần dịp Tết Trung thu 2022, các đối tượng đã trà trộn mặt hàng bánh Trung thu, đồ chơi trẻ em kém chất lượng, hàng hóa nhập lậu không có hóa đơn, chứng từ. Ông Trần Việt Hùng cho biết: Đội QLTT số 22 (Cục QLTT TP Hà Nội) phối hợp với Công an quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm địa điểm kinh doanh hàng hóa ở lô B6 khu 3Ha đường Đức Diễn, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm do ông Đặng Ngọc Tiến là chủ lô hàng. Kết quả, lực lượng chức năng đã phát hiện 8.350 chiếc bánh Trung thu nhập lậu.
Cũng trong tháng 9, Đội QLTT số 11 (Cục QLTT TP Hà Nội) phối hợp với PC05 - Công an TP Hà Nội, Công an quận Hà Đông và Chi cục Kiểm lâm kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh rượu ngâm tại địa chỉ: Phòng 0916 và phòng 2602 tòa nhà The Pride CT1, khu đô thị mới An Hưng, La Khê, quận Hà Đông. Kết quả kiểm tra cho thấy, tổng 916,8 lít rượu đều là rượu ngâm cá thể động vật và thực vật các loại không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hiện, số lượng rượu này đang được Đội QLTT số 11 tiếp tục xác minh làm rõ.
Đại diện Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội cho biết, từ nay đến hết năm 2022, các lực lượng sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở, ngành và Ban chỉ đạo quận, huyện, thị xã tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, ga tàu, bến xe, kho hàng, chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh, từ đầu năm 2022 đến nay, quy mô hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, gian lận thương mại… ngày càng gia tăng. Thống kê của Tổng cục QLTT cho thấy, 7 tháng năm 2022, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý hơn 24.000 vụ vi phạm; phạt hành chính hơn 144,5 tỷ đồng.
Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Hữu Tuấn cho hay: Do đặc thù người bán, người mua không gặp nhau trực tiếp, nên gian lận thương mại gia tăng trên thương mại điện tử. Hoạt động buôn lậu qua biên giới vào thị trường nội địa cũng rất phức tạp, thay vì qua các đường mòn, lối mở như trước đây, hàng lậu “luồn lách” qua kênh chính ngạch... Các thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng đã ngày càng tinh vi, gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý.
Theo Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên, thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội tập trung triển khai đồng bộ hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trong các dịp lễ, tết và những tháng cao điểm.
Ông Chu Xuân Kiên cho biết: “Thời gian này cũng là đặc thù buôn lậu về hàng hoá, gian lận thương mại thông qua các đường biên giới, khu vực đường hàng không và đường biển, cũng phát sinh thêm tính chất phức tạp cần tập trung để có giải pháp ngăn chặn, truy tố theo quy định của pháp luật đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm quy mô lớn...”.
Phương Lê