Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã nghiên cứu kỹ nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII liên quan đến các vấn đề kinh tế và đóng góp một số kiến giải về phát triển kinh tế.
Về phương hướng phát triển kinh tế
Theo ông Vũ Mão, để xác định hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại, văn kiện của Đảng cần chú trọng những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế như GDP bình quân đầu người, tỉ trọng giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, tỉ trọng nông nghiệp, tỉ lệ đô thị hoá...; những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về mặt xã hội như chỉ số phát triển con người, tuổi thọ bình quân, chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập...; những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về môi trường như tỉ lệ dân số sử dụng nước sạch, độ che phủ rừng, tỉ lệ giảm mức phát thải khí nhà kính...
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Ngoài ra, cần cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước; cơ cấu lại và giải quyết có kết quả vấn đề nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công.
Đẩy mạnh hơn nữa cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Tổ chức phát triển mạnh kinh tế biển
Ông Vũ Mão cho hay thế kỷ 21 sẽ là "thế kỷ của đại dương”. Bởi trong sự phát triển toàn diện và mạnh mẽ của thế giới, nhất là tại các quốc gia có biển và hướng ra biển, hơn một thập niên vừa qua, đã chứng minh rất sinh động và đầy thuyết phục điều dự báo ấy. Chính vì vậy, đối với Việt Nam, Đảng ta càng phải hạ quyết tâm chính trị chiến lược và tổ chức phát triển mạnh mẽ kinh tế vùng biển và kinh tế biển, đảo.
Ông Vũ Mão cho rằng chúng ta cần tiếp tục phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền.
Bên cạnh đó là việc chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá; kinh tế hàng hải như kinh doanh dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển; du lịch biển, đảo.
Cần có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển, đảo một cách bền vững.
Chúng ta cũng phải tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế ven biển.
Ông Vũ Mão khẳng định, nếu cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đều có trách nhiệm phát triển kinh tế biển, đảo gắn chặt với bảo đảm quốc phòng, an ninh sẽ tạo nền tảng và cơ hội cho Việt Nam từng bước trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, tạo ra tốc độ phát triển các ngành nghề biển theo hướng nhanh, bền vững và hiệu quả.
Phát triển chọn lọc một số ngành công nghiệp
Về phát triển công nghiệp, theo ông Vũ Mão, cần thực hiện tốt chủ trương và có chính sách phù hợp để xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học-công nghệ và tỉ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm.
Tiếp tục phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử, hoá chất, công nghiệp xây dựng, xây lắp, công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Ông Vũ Mão cho rằng, cần chú trọng phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và sản xuất vật liệu mới; từng bước phát triển công nghệ sinh học, công nghiệp môi trường và công nghiệp văn hoá.
Bên cạnh đó, tiếp tục phân bố công nghiệp hợp lý trên toàn lãnh thổ; nâng cao hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp; sớm đưa một số khu công nghiệp công nghệ cao vào hoạt động.
Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững
Ông Vũ Mão cho rằng cần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện cả về nông, lâm nghiệp và thuỷ sản theo hướng hiện đại, bền vững.
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hoá một cách hợp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Vũ Mão yêu cầu cần xác định vai trò hạt nhân của doanh nghiệp trong nông nghiệp, đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp nhà nước; phát triển hợp tác xã kiểu mới; hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ.
Theo ông Vũ Mão, cần từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ công nghệ cao.
Khu vực dịch vụ: Phát triển ngành lợi thế
Ông Vũ Mão nhấn mạnh về vai trò quan trọng của dịch vụ trong nền kinh tế cũng như trong cuộc sống nói chung. Kinh tế càng phát triển, dịch vụ càng trở nên quan trọng hơn. Thực tiễn phát triển kinh tế ở các nước trên thế giới cho thấy, dịch vụ là khu vực góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị các ngành sản xuất. Dịch vụ cũng là khu vực phục vụ nhu cầu của con người, làm cho đời sống của con người văn minh hơn, từ đó tái tạo sức lao động, nâng cao hiệu quả công việc.
Ngày nay, khu vực dịch vụ mang lại thu nhập cao và chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, lên đến khoảng 75% GDP của hầu hết các nước có nền kinh tế phát triển và những nước công nghiệp mới.
Dịch vụ góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa, thúc đẩy thương mại hàng hóa phát triển trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Dịch vụ chính là cầu nối giữa các yếu tố “đầu vào” và “đầu ra” trong quá trình sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm.
Để phát triển mạnh và bền vững nền công nghiệp dịch vụ, ông Vũ Mão đề nghị cần tập trung phát triển một số ngành có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như du lịch, hàng hải, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin.
Hai là, hiện đại hoá và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistics và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh khác.
Ba là, đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách giá dịch vụ giáo dục-đào tạo, y tế; phát triển dịch vụ giáo dục-đào tạo, y tế chất lượng cao, dịch vụ khoa học và công nghệ, văn hoá, thông tin, thể thao, dịch vụ việc làm.
Bốn là, hình thành một số trung tâm dịch vụ, du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế. Chủ động phát triển mạnh hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước, tham gia vào mạng phân phối toàn cầu.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ