Thứ Tư, 21/05/2025 05:06:54 GMT+7
Lượt xem: 363

Tin đăng lúc 20-05-2025

Hạ tầng sẵn sàng, điện mặt trời “mở cửa” cho KCN xanh

Cơ sở hạ tầng điện tại các khu công nghiệp (KCN) đã đảm bảo, EVN không phải nâng cấp lưới điện, hiện tại đã sẵn sàng tiếp nhận nguồn điện từ điện mặt trời mái nhà tại KCN.
Hạ tầng sẵn sàng, điện mặt trời “mở cửa” cho KCN xanh
Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Đây là khẳng định của ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng Ban Kinh doanh EVN với Diễn đàn Doanh nghiệp. Theo ông Nguyên, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành các hướng dẫn thực hiện hai Nghị định số 57/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn và Nghị định số 58/2025/NĐ-CP về quy định chi tiết Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (NLTT, NLM). Đồng thời EVN cũng đã ban hành các văn bản thông báo các chi phí năm 2025 cho khách hàng mua bán điện khi tham gia cơ chế DPPA tại mô hình khu, cụm công nghiệp.

 

Thưa ông, với vai trò là đơn vị triển khai ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo – đặc biệt là điện mặt trời mái nhà trong KCN?

 

Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trong các khu công nghiệp (KCN) trong thời gian tới có thể kể đến như:

 

Thứ nhất về lợi thế tự nhiên và hạ tầng sẵn có: Việt Nam có bức xạ mặt trời cao (trung bình 4–5 kWh/m²/ngày ở khu vực phía Nam và miền Trung), phù hợp để phát triển điện mặt trời, trong đó có ĐMTMN. Đồng thời diện tích mái nhà lớn trong các nhà máy, xưởng sản xuất tại các KCN là lợi thế đặc biệt, tận dụng không gian có sẵn mà không cần chiếm thêm đất. Theo số liệu đến tháng 7/2024 tại Việt Nam có hớn 429 KCN với diện tích 142.162 ha. Đặc biệt cơ sở hạ tầng điện tại các KCN đã tương đối hoàn chỉnh, dễ kết nối vào lưới điện.

 

Thứ hai, nhu cầu tiêu thụ điện lớn, liên tục, các KCN thường có nhu cầu sử dụng điện rất cao và ổn định, đặc biệt vào ban ngày, trùng với thời gian sản xuất điện mặt trời. Việc tự dùng điện mặt trời giúp doanh nghiệp giảm chi phí điện, ổn định nguồn cung và giảm rủi ro từ việc giá điện tăng.

 

Thứ ba, Nhà nước đang thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và xu hướng “xanh hóa”, Việt Nam đang khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và giảm phát thải CO₂. Tại COP26, Chính phủ Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm phát thải methane vào năm 2030 so với 2010, và chuyển đổi từ than sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đặc biệt, Luật Điện lực năm 2024 được ban hành với nhiều cơ chế thúc đẩy phát triển điện NLTT, năng lượng mới. Sau khi Luật Điện lực có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành các Nghị định để cụ thể hóa các quy định trong luật như:

 

Nghị định số 57/2025/NĐ-CP ngày 03/3/2025 của Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Nghị định số 58/2025/NĐ-CP ngày 03/3/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện NLTT, điện năng lượng mới (NLM) và Quyết định 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII), cụ thể ĐMT trong từng giai đoạn được điều chỉnh tăng như sau:

 

Bản Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã tăng tối đa công suất điện mặt trời mái nhà và ĐMT tập trung của các khu vực

 

Với Nghị định 57/2025/NĐ-CP và Nghị định 58/2025/NĐ-CP về mua bán điện trực tiếp (DPPA) và tự sản tự tiêu. Ông có thể chia sẻ về sự chuẩn bị của EVN trong kế hoạch đồng hành cùng doanh nghiệp?

 

Đối với Nghị định 57 (DPPA), Tập đoàn điện lực Việt Nam đã có văn bản giao các tổng công ty điện lực thông báo các chi phí năm 2025 khi tham gia cơ chế DPPA cho Khách hàng sử dụng điện lớn và Đơn vị bán lẻ điện tại mô hình khu, cụm công nghiệp. Trong quá trình triển khai, EVN sẵn sàng phối hợp, đồng hành cùng khách hàng, chủ đầu tư thực hiện cơ chế này.

 

Đối với Nghị định 58 (NLTT, NLM, ĐMTMN tự sản tự tiêu), Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) đã công bố giá mua điện dư nguồn ĐMTMN năm 2025 theo Nghị định 58 là 1.096,5 đồng/1 kWh. EVN đã có các hướng dẫn tới các đơn vị thành viên triển khai Nghị định này, như: quy trình thực hiện; hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật và đấu nối Hệ thống, giám sát, điều khiển hệ thống ĐMTMN (có công suất từ 100kWp trở lên) giữa khách hàng, chủ đầu tư với đơn vị Điện lực.

 

EVN đang triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư năng lượng tái tạo trong KCN? Về hạ tầng kỹ thuật, EVN đã và đang nâng cấp lưới điện để sẵn sàng tiếp nhận nguồn điện từ điện mặt trời mái nhà tại KCN chưa thưa ông?

 

Khi KCN đăng ký và đưa vào vận hành EVN đã đảm bảo việc điện cấp điện cho KCN (công suất, kết nối hạ tầng). Trong quá trình đăng ký Chủ đầu tư và đơn vị điện lực đã phải rà soát để phát triển, lắp đặt công suất phù hợp với nhu cầu và không gây quá tải lưới điện hiện hữu của ngành điện.

 

Đối với vận hành, Nghị định 58 quy định nguồn ĐMTMN có công suất từ 100 kW phải kết nối với hệ thống giám sát điều khiển của cấp điều độ phân phối. Trong trường hợp cực đoan cấp điều độ có thể điều khiển để điện mặt trời không phát lên lưới điện quốc gia, gây ảnh hưởng cho việc vận hành hệ thống.

 

Theo Nghị định 58 việc phát triển ĐMTMN là tự sản xuất, tự tiêu thụ và bán tối đa không quá 20%, do vậy việc lắp đặt ĐMTMN tự sản tự tiêu trong KCN không thể gây quá tải cho lưới điện của EVN.

 

Quy định sản lượng điện dư phát bán lên lưới EVN không quá 20% vẫn chưa được phía công ty điện lực khu vực đồng ý mua, do vẫn đang chờ hướng dẫn chính thức từ MOIT/EVN, vậy cụ thể là khi nào áp dụng?

 

Nếu doanh nghiệp trong KCN phát triển lắp đặt ĐMTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ phát triển theo Nghị định 58 được bán sản lượng điện dư cho đơn vị của EVN (theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 58) không quá 20 % sản lượng phải đảm bảo đủ 3 điều kiện:

 

Một là, công suất phát triển phải thuộc quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch điện; Hai là, đối nguồn điện từ 1000 kW thì phải có giấy phép hoạt động điện lực; Ba là, lắp đặt hệ thống đo đếm, hệ thống giám sát điều khiển.

 

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang