Thứ Sáu, 22/11/2024 22:47:33 GMT+7
Lượt xem: 942

Tin đăng lúc 17-03-2023

Hải Dương hội tụ đủ yếu tố để phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng

Ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Hải Dương. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự và phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Hải Dương hội tụ đủ yếu tố để phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng

Cùng tham dự buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có các đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng đại diện các bộ, ngành trung ương.

 

Về phía tỉnh Hải Dương có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng; đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh.

 

Phát biểu khai mạc tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Hội nghị cần đánh giá, nhìn nhận thẳng thắng, khách quan về những kết quả Hải Dương đã làm được trong thời gian qua; chỉ ra những mặt tích cực, hạn chế, khó khăn và nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan; xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó đề ra các giải pháp đồng bộ, khả thi giúp Hải Dương phát triển đạt được mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

 

Theo báo cáo của tỉnh Hải Dương, trong bối cảnh những tháng đầu năm 2022, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Hải Dương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

 

Hiện quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2022 là 169.179 tỷ đồng (xếp thứ 11/63 toàn quốc); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Toàn tỉnh có 155.000 ha diện tích gieo trồng cây hàng năm; diện tích nuôi trồng thủy sản 11.200 ha. Trên địa bàn tỉnh có 11 KCN đang vận hành, với tổng diện tích khoảng 1.470 ha, tỷ lệ lấp đầy trên 85%; có 06 KCN đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng với tổng diện tích 1.135 ha.

 

Mục tiêu phấn đấu của tỉnh đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có hạ tầng kinh tế - xã hội khá đồng bộ; năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng. Năm 2045 phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phấn đấu đạt các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; giữ gìn, phát huy di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng Sông Hồng; đảm nhiệm vai trò đầu mối giao lưu kinh tế - xã hội giữa các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với vùng Đông Bắc, vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân trên 9%/năm.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra những tiềm năng, lợi thế nổi trội, riêng có của tỉnh Hải Dương và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong những năm qua. Cụ thể, kinh tế của Hải Dương đã có bước phát triển khá nhanh (8,4 - 9%), cao gấp 1,2 - 3 lần bình quân cả nước, quy mô nền kinh tế đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố; trong đó lĩnh vực công nghiệp và thương mại đạt kết quả tích cực, nổi bật là: chỉ số SXCN tăng trưởng khá, đứng thứ 5 trong Vùng và thứ 15 cả nước; năm 2022 tuy tăng trưởng thấp hơn năm trước do bị ảnh hưởng của dịch Covid kéo dài, nhưng 2 tháng đầu năm 2023, SXCN của tỉnh phục hồi mạnh mẽ, tăng 14,2% so với cùng kỳ (cả nước giảm 6,3%), đứng đầu trong Vùng và thứ 4 cả nước. Hoạt động xuất, nhập khẩu có chuyển biến tích cực, đứng thứ 4 trong Vùng và thứ 10 cả nước. Năm 2022 Hải Dương nằm trong nhóm 7 địa phương có xuất siêu lớn nhất cả nước với trị giá gần 2,3 tỷ USD, đóng góp 20% thặng dư thương mại của cả nước; Tổng mức bán lẻ hàng hóa hiện đứng thứ 4 trong Vùng và thứ 23 cả nước. Đặc biệt, Hải Dương đã làm rất tốt công tác xúc tiến thương mại, trong đó có việc đưa thương hiệu vải Thanh Hà được biết đến rộng rãi trong và ngoài nước.

 

Để Hải Dương tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển KTXH, đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh đã đề ra; đồng thời, trong lĩnh vực Công Thương, Bộ trưởng đề nghị Hải Dương quan tâm, chú trọng một số các vấn đề sau:

 

 

Thứ nhất, quan tâm chỉ đạo rà soát, xây dựng các chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp và thương mại trong giai đoạn tới để phù hợp với những định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch Vùng, các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch của tỉnh (hiện đang hoàn thiện, trình thẩm định, phê duyệt), bảo đảm tính đồng bộ, phân bố không gian hợp lý để khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội.

 

Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của công nghiệp trong GRDP. Theo đó, tỉnh cần tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, sử dụng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh (như công nghiệp chế tạo, chế biến, điện tử; sản xuất ô tô; công nghiệp số, phần mềm, trí tuệ nhân tạo và công nghiệp hỗ trợ) để phát triển nhanh thành các ngành mũi nhọn, có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo nền tảng vững chắc và đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt phát triển kinh tế.

 

Đồng thời, Hải Dương là nơi giao thoa của 3 vùng kinh tế vì vậy, tỉnh cũng cần ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, có tính chất “dẫn đường” như (sản xuất chíp, bán dẫn, rô bốt, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới…); Chú trọng phát triển các lĩnh vực có tính kết nối trong chuỗi giá trị với các tỉnh, thành phố lân cận (nhất là các địa phương trong Vùng Thủ đô và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để phát huy lợi thế về địa kinh tế của Hải Dương). Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quan tâm phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống và dược phẩm gắn với vùng nguyên liệu nhằm hình thành chuỗi giá trị nông sản khép kín.

 

Thứ ba, tập trung huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, thương mại trong tình hình mới. Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ sản xuất hiện đại vào phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư trong nước tham gia vào các chuỗi sản xuất của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhằm phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh, góp phần nâng cao tính độc lập, tự chủ trong sản xuất công nghiệp địa phương.

 

Thứ tư, chú trọng phát triển thương mại gắn với đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và hoạt động du lịch. Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng logistics, kho bãi tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, đặc biệt là quan tâm phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số và các kênh thương mại điện tử. Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm và khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (nhất là các Hiệp định thế hệ mới, như EVFTA, CPTPP, RCEP…) để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.

 

Thứ năm, với lợi thế là tỉnh đông dân, Hải Dương cần chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ (đào tạo theo modul, gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành theo nhu cầu và địa chỉ cụ thể) để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Bộ Công Thương có hệ thống cơ sở đào tạo chất lượng cao vì vậy đề nghị trong thời gian tới Bộ và Hải Dương cần có sự phối hợp trong lĩnh vực đào tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực... Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm thực chất chi phí cho doanh nghiệp; tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi thế thu hút đầu tư.

 

Bộ Công Thương ủng hộ những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hải Dương báo cáo tại buổi làm việc. Căn cứ chức năng, thẩm quyền được giao, Bộ sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xem xét, có ý kiến cụ thể về từng kiến nghị của tỉnh, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

 

Theo MOIT


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang