Đến dự sự kiện chính trị-văn hóa lớn này có đ/c Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cùng các đ/c nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam; các bậc lão thành cách mạng; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành và T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng đông đảo phật tử, du khách và nhân dân địa phương.
Các đại biểu dâng hương tại lễ hội
Cách đây 50 năm, ngày 15/2/1965, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương vinh dự, tự hào được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm di tích Côn Sơn. Sau khi thắp hương tại Tổ đường chùa Côn Sơn, Bác Hồ đã dừng lại bên tấm bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi", dịch và giảng giải về nội dung của tấm bia, nhắc nhở mọi người cần trân trọng những giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Bác đã leo núi Côn Sơn, tới Thanh Hư Động và dừng chân ở Thạch Bàn - nơi Nguyễn Trãi thường ngồi đọc sách, làm thơ và suy ngẫm việc nước. Người đã căn dặn: “Cán bộ và nhân dân phải bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng nhiều cây để Côn Sơn trở thành Tùng Lâm đẹp đẽ”. Hình ảnh Bác Hồ đọc bia ở chùa Côn Sơn trở thành ký ức thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là biểu tượng muôn đời về tấm gương tìm hiểu, trân trọng di sản văn hóa của dân tộc.
Thực hiện lời dặn của Bác, suốt 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương đã luôn khắc ghi lời Bác, đoàn kết, vượt mọi khó khăn, đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa dân tộc nói chung, đặc biệt là di sản tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc nói riêng cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2012, khu di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt và lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích ngày càng được coi trọng, phát huy tiềm năng du lịch gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Trong nhiều thế kỷ qua, Lễ hội truyền thống Côn Sơn – Kiếp Bạc là một nét văn hóa đặc sắc, đa dạng, thể hiện sự sáng tạo, tâm nguyện của hàng triệu đồng bào từ mọi miền đất nước về đây cùng thành kính bày tỏ ước vọng bồi đắp tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, ý chí bảo vệ nền độc lập dân tộc của cha ông trao truyền lại, tiêu biểu là các anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Tam Tổ Trúc Lâm, Nhà giáo Chu Văn An...
Tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương đã đạt được thời gian quan. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về những hình ảnh thân thương, giản dị của Bác trong lần về thăm Côn Sơn đã trở thành biểu tượng về một lãnh tụ luôn quan tâm tới công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, là lời căn dặn chúng ta nhớ về cội nguồn lịch sử, đồng thời mong muốn cán bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương cần tiếp tục thấm nhuần lời căn dặn, tư tưởng của Người bằng việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức của Người một cách thiết thực nhất.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển - Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.
Phát biểu bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ tỉnh Hải Dương trong nhiều thập kỷ qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương sẽ tiếp thu nghiêm túc, ý kiến chỉ đạo của Trung ương, để xây dựng thành kế hoạch hành động cụ thể, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, để Hải Dương ngày càng phát triển, xứng đáng với vị trí chiến lược của quốc gia từ xưa tới nay.
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2015 gồm các nghi lễ truyền thống: lễ dâng hương, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, lễ giỗ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả; lễ động thổ xây dựng tòa Cửu Phẩm liên hoa chùa Côn Sơn; chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Bác Hồ về thăm Côn Sơn, Lễ đàn Mông Sơn thí thực… cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và trò chơi dân gian diễn ra trong suốt các ngày hội như thi gói bánh chưng, giã bánh giày, hội thi pháo đất, thi đấu vật dân tộc, chọi gà, viết thư pháp, hát quan họ...
Để chuẩn bị cho lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp, trước đó Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá cho Lễ hội; hoàn thiện tuyến đường vào đền Kiếp Bạc dài 5,1 km đón du khách; phối hợp với Công an thị xã Chí Linh xây dựng phương án để đảm bảo cho du khách hành hương về Côn Sơn - Kiếp Bạc; phổ biến cho các hộ dân trong khu vực di tích ký cam kết không tăng giá và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong dịp diễn ra Lễ hội; không để hình thức kinh doanh đổi tiền lẻ, hưởng chênh lệch trong khu vực di tích, khu vực lễ hội, không cài, giắt, đặt rải tiền tùy tiện, gây phản cảm, bố trí bàn công đức hợp lý để phục vụ nhân dân công đức tu bổ di tích.
Vũ Hảo