Xây dựng mạng lưới xúc tiến đầu tư
Với vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nằm sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ, kết nối thuận lợi tới các khu cảng biển (cảng Cái Lân, cảng Hải Phòng) và các cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi). Hải Dương còn được đánh giá là 1 trong 20 địa phương có chất lượng hạ tầng công nghiệp tốt nhất cả nước. Đây là lợi thế nổi trội để Hải Dương lọt vào danh sách những điểm đến đầu tư hấp dẫn của các “đại bàng” lớn.
Bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi, để gia tăng sức hấp dẫn của địa phương, tỉnh Hải Dương cũng đã tổ chức nhiều đoàn công tác để xúc tiến đầu tư tại nước ngoài. Theo đó, trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, tỉnh Hải Dương tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các tổ chức xúc tiến thương mại của nước ngoài tổ chức các Đoàn xúc tiến thương mại, đầu tư tại Mỹ, châu Âu (Anh, Pháp, Bỉ…) và Nhật Bản. Thông qua các chuyến đi này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư tại Hải Dương. Cùng với đó, nhiều tập đoàn lớn đã đến và đề xuất đầu tư các dự án tại địa phương này.
Theo ông Yasuhisa Koike - Giám đốc bộ phận của Nissei Năm 2006 (Nhật Bản), tập đoàn Nissei đầu tư tại nhà máy tại Hải Dương và hiện đang nghiên tiếp tục nghiên cứu đầu tư tại KCN Phúc Điền (mở rộng) của Hải Dương. Tập đoàn Nissei mong muốn được tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất tại Hải Dương.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, thời gian qua, đơn vị thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về chính sách, lĩnh vực thu hút đầu tư với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như đại diện nước ngoài ở Việt Nam để kết nối, xây dựng mạng lưới xúc tiến đầu tư. Trong đó, hướng tới thu hút đầu tư các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ và khu vực EU.
Cũng theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, việc tỉnh Hải Dương tổ chức các đoàn xúc tiến tại nước ngoài đã thể hiện sự quan tâm, coi trọng và thiện chí của tỉnh Hải Dương trong việc xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư đến đầu tư tại địa phương.
Ông Lê Hồng Diên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 532 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn 10,142 tỷ USD đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 284 dự án trong KCN với số vốn 5,957 tỷ USD; còn lại là các dự án ngoài KCN. Hải Dương vẫn quyết liệt chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, coi xúc tiến đầu tư là khâu đột phá nhằm tạo ấn tượng, thu hút các nhà đầu tư.
Tạo đột phá lớn
Được biết, đến thời điểm hiện tại, thu hút đầu tư FDI của địa phương này đạt 1,136 tỷ USD, tăng 3,1 lần so với năm trước. Đây là kết quả thu hút vốn FDI cao nhất trong 10 năm trở lại đây và cũng là lần thứ hai trong 35 năm thu hút FDI của tỉnh vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Dự án FDI đầu tư vào tỉnh có quy mô khá, hàm lượng công nghệ cao, bảo đảm các tiêu chí về thu hút đầu tư tại tỉnh.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu sẽ tăng nguồn cung bất động sản công nghiệp chất lượng. Đồng thời, mong muốn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư uy tín, dự án lớn từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, sản xuất tuần hoàn. Địa phương này cũng xác định xây dựng 1 trong 4 trụ cột phát triển là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Theo ông Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Hải Dương sẽ tập trung ưu tiên thu hút nguồn vốn FDI có chọn lọc; thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng trong và ngoài nước; nhà đầu tư từ các quốc gia thuộc nền kinh tế lớn, có tiềm lực về vốn, công nghệ, trình độ quản lý...
Được biết, giai đoạn 2021 - 2030, địa phương này sẽ phát triển tiếp 15 KCN, 50 cụm công nghiệp, với tổng diện tích gần 10.000 ha. Đặc biệt, tỉnh Hải Dương đã quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực tại vị trí chỉ cách Hà Nội 25 phút đi ô tô đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, với tổng diện tích 10.000 ha. Trong đó, có 5.000 ha đất công nghiệp, 2.000 ha đất đô thị, dịch vụ và logistics. Đây là dư địa lớn để Hải Dương thu hút các nhà đầu tư lớn đến “làm tổ”.
Để đạt được mục tiêu này, địa phương này sẽ triển khai các giải pháp phục hồi, cơ cấu lại thị trường lao động, gắn với nâng cao chất lượng đào tạo lao động; đẩy mạnh thực hiện phương thức liên kết, hợp tác đào tạo giữa các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, thực hiện xúc tiến đầu tư, thương mại, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi nhất, nhanh nhất về thủ tục đối với các doanh nghiệp khi có những dự án, phương án chuyển đổi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Lu Ren Zheng - Tổng giám sát dự án BoViet (KCN Cộng Hoà), trong quá tình tìm hiểu môi trường đầu tư tại Hải Dương đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ rất tận tình của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và chủ đầu tư hạ tầng. Các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép đầu tư được thực hiện đồng bộ trên không gian mạng.
Còn theo đại diện Công ty CP Khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát 1, hiện KCN An Phát 1 cơ bản lấp đầy diện tích đã hoàn thiện hạ tầng giai đoạn 1, thu hút được 10 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD. Ở giai đoạn 2, KCN này sẽ tập trung thu hút các ngành liên quan đến sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí chế tạo, logistics... với hàm lượng công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường.
Theo Diendandoanhnghiep.vn