Thứ Sáu, 22/11/2024 18:10:19 GMT+7
Lượt xem: 2124

Tin đăng lúc 27-06-2017

Hải Phòng cần nỗ lực tăng trưởng 14% để giúp các địa phương khác

Đối với các kiến nghị cụ thể của Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần phải có ý tưởng xây dựng Hải Phòng thành cực tăng trưởng mạnh mẽ của vùng và nguồn vốn phải từ xã hội hóa, tư nhân bỏ tiền ra làm, chứ không chỉ dựa vào ngân sách…
Hải Phòng cần nỗ lực tăng trưởng 14% để giúp các địa phương khác
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Thành ủy TP. Hải Phòng về tình hình kinh tế-xã hội.

Chiều 26/6, tại TP. Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Thành ủy TP. Hải Phòng về tình hình kinh tế-xã hội.

 

Tham dự còn có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, Bí thư Thành ủy Hải phòng Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Tùng, cán bộ chủ chốt của TP. Hải Phòng.

 

Thủ tướng nhìn nhận, 6 tháng qua, TP. Hải Phòng có bước phát triển toàn diện, đạt nhiều kết quả lớn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Thành phố có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách làm và là một trong những địa phương có trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tập trung, một cửa.

 

Về các chỉ số cụ thể, Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước các con số như: GRDP 6 tháng ước đạt 13,26%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 21,08%; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 43 triệu tấn, tăng gần 14%; khách du lịch đạt trên 3 triệu lượt người, tăng 10,49%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 34.802 tỷ đồng, tăng 16,4%.

 

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. TP. Hải Phòng nằm trong nhóm 10 địa phương hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư ở Việt Nam. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục có những đột phá. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực.

 

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền được triển khai đồng bộ, đạt kết quả khá toàn diện. Thi hành kỷ luật Đảng nghiêm túc (Ban Thường vụ Thành ủy kiểm tra, xem xét, xử lý đối với 9 đảng viên, trong đó có 2 Thành ủy viên).

 

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là một động lực phát triển kinh tế-xã hội cho vùng duyên hải Bắc Bộ thì Hải Phòng còn nhiều bất cập, hạn chế.

 

Kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ, giao thông vận tải, sự liên kết vùng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của một Thành phố lớn, hiện đại.

 

Môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thành phố có tiến bộ nhưng vẫn thấp hơn năm 2013 (năm 2013 đứng thứ 15/63, năm 2016 đứng thứ 21/63), trong đó năm 2016 có sự tụt hạng về chi phí thời gian và năng lực cạnh tranh so với năm 2015. Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tụt hạng. Mức độ phân cấp, phân quyền và tính phối hợp chưa cao, còn nhiều biểu hiện hành chính hóa.

 

Không để Hải Phòng mất thời cơ phát triển

 

 

“Các đồng chí phải nghiền ngẫm các biện pháp, nhiệm vụ tốt hơn nữa để có thể phát triển xứng đáng với tư cách là Thành phố đứng thứ 3 cả nước”, Thủ tướng nói. “Nếu không vươn lên, chúng ta sẽ tụt hậu và chúng ta không để Hải Phòng mất thời cơ phát triển”.

 

Trước hết, Thủ tướng yêu cầu công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống hành chính các cấp vững mạnh.

 

Mục tiêu tăng trưởng của cả nước năm 2017 là 6,7%. Với tư cách là một cực tăng trưởng của vùng duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn kế hoạch đặt ra (12,5-13%) và phải cao hơn mức 6 tháng đầu năm 2017 (13,26%), nỗ lực phấn đấu cả năm đạt được 14%. Đây là nhiệm vụ nặng nề vì Hải Phòng phải gánh cho các địa phương khác.

 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch phát triển, Thủ tướng cho rằng, lãnh đạo Thành phố phải có tầm nhìn xa và phải rà lại quy hoạch khi 46% diện tích đất là đô thị còn 54% là nông thôn. Là đô thị loại 1 nhưng đất dành cho công nghiệp, dịch vụ còn quá thấp, đất cho nông nghiệp thì rất lớn. 46% đất đô thị này tạo ra giá trị đến 95% GDP trong tương lai còn chưa đến 5% GDP lại chiếm đến 54% đất đai của Thành phố.

 

“Chúng ta đã tạo mặt bằng sạch chưa? Đã phát triển tốt các đô thị vệ tinh chưa?”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, tầm nhìn phải dài hơi hơn, chứ không chỉ 5, 10 năm, phải quy hoạch cho dân số 15-30 triệu người sinh sống, chứ không phải chỉ có 2 triệu người.

 

Tiếp tục quan tâm phối hợp, liên kết với các ngành, địa phương liên quan, đặc biệt là tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc. Xây dựng và phát triển đô thị Hải Phòng theo hướng đô thị cảng biển xanh, văn minh, hiện đại, phấn đấu trở thành cửa ngõ cảng biển quốc tế hàng đầu của nước ta và khu vực.

 

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong công tác, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chính quyền các cấp, xây dựng nền hành chính thông thoáng, khoa học, tiếp nhận ý kiến, phản hồi của người dân, doanh nghiệp để xử lý cụ thể và công khai kết quả xử lý, giải quyết.

 

Đối với Thành phố lớn như Hải Phòng, phải trong nhóm xếp hạng cao nhất về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh.

 

Hải Phòng cần chú ý phát triển các ngành, lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, y tế, hạ tầng, các dịch vụ để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn…

 

Đối với các kiến nghị cụ thể của Hải Phòng, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải có ý tưởng xây dựng Hải Phòng thành cực tăng trưởng mạnh mẽ của vùng và nguồn vốn phải từ xã hội hóa, tư nhân bỏ tiền ra làm, có thể bằng hình thức PPP, BT, BOT hoặc các hình thức khác, chứ không chỉ dựa vào ngân sách.

 

Nguồn Báo Chính Phủ

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang