Hai tháng đầu năm, Hải Phòng đón nhận tin vui khi hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều tăng. Đặc biệt, chỉ số đầu tư cơ bản có bước tiến mới so với kế hoạch, tạo điều kiện mở rộng “cánh cửa” thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, các dự án trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện...
Cụ thể, theo báo cáo, 2 tháng đầu năm, TP.Hải Phòng thu hút 165,24 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Hải Phòng nhanh chóng đầu tư mới 18 dự án với số vốn 150,27 triệu USD. Trong đó, 11 dự án trong KCN, KKT với số vốn 149,18 triệu USD (chiếm 99,27%); 7 dự án ngoài KCN, KKT đạt 1,09 triệu USD (chiếm 0,73%).
Hiện, Hải Phòng có 950 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 30,04 tỷ USD. Trong đó, có 542 dự án trong KCN, KKT, vốn đầu tư 26,4 tỷ USD; 408 dự án ngoài KCN, KKT, vốn đầu tư 3,64 tỷ USD.
Ngoài ra, thành phố Hải Phòng sẽ điều chỉnh tăng vốn đầu tư 7 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 12,75 triệu USD. Trong đó, 05 dự án trong KCN, KKT, vốn đầu tư tăng 11,6 triệu USD; 2 dự án ngoài KCN, KKT, vốn đầu tư tăng 1,15 triệu USD; Điều chỉnh 5 lượt (2,22 triệu USD ngoài KCN, KKT) hút vốn thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
Trong năm, Hải Phòng đặt ra mục tiêu thu hút từ 2.0 - 2.5 tỷ USD vốn FDI. Theo đà phát triển, Hải Phòng sẽ đầu tư, mở rộng KKT Đình Vũ - Cát Hải và triển khai xây dựng thêm 15 KCN mới với tổng diện tích 6.200 ha. Đặc biệt, thành lập KKT phía Nam thành phố (20.000 ha, thuộc địa bàn Đồ Sơn, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão) nhằm khai thác hiệu quả tuyến đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và khu vực sân bay Tiên Lãng, kết nối với các KKT Thái Bình, Quảng Yên, Vân Đồn. Từ đây, Hải Phòng và các địa phương sẽ tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng đồng bằng sông Hồng.
Được biết, môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Phòng cũng như chất lượng của các KCN trên địa bàn trong những năm qua đã liên tục được cải thiện. Tuy nhiên, Hải Phòng vẫn có thể làm tốt hơn nữa bằng cách thúc đẩy triển khai KCN sinh thái, có biện pháp giám sát và giảm thiểu tác động môi trường, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông để trở thành trung tâm liên kết vùng lớn nhất miền Bắc.
Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng BQL KKT Hải Phòng, cho biết: trong năm 2024, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hoàn thành kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài; tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 7/4/2022 về “nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển các KCN, CCN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư đối với các ngành nghề thuộc 03 trụ cột kinh tế đã được xác định (cảng biển, logitics, công nghiệp công nghệ cao); thu hút đầu tư xây dựng dự án Trung tâm nghiên cứu, phát triển các KCN chuyên ngành, có tính liên kết sản xuất, chuỗi hỗ trợ cung ứng;…
Trước đó, tại buổi làm việc với thành phố Oakland (Hoa Kỳ) Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu nhấn mạnh, Hải Phòng là một trong 3 thành phố chiến lược của Việt Nam, có vị trí quan trọng về đầu mối kết nối giao thông, liên kết vùng của cả Khu vực đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ, là động lực trong phát triển kinh tế của cả miền Bắc và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai -Hải Phòng - Quảng Ninh. Hải Phòng có truyền thống phát triển công nghiệp hơn 100 năm, cùng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và dân số 2,2 triệu người, trong đó 1 triệu người ở độ tuổi lao động, Hải Phòng đã trở thành điểm đến đầu tư của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như: General Electric, Chevron, LG, Bridgestones, AEON, SK, Pegatron… Hải Phòng sẽ là địa điểm lý tưởng, phù hợp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Theo DiendanDN