Chủ Nhật, 06/10/2024 14:21:09 GMT+7
Lượt xem: 186

Tin đăng lúc 15-08-2024

Hải Phòng: Để sản phẩm OCOP không ngừng vươn xa

Sau hơn bốn năm triển khai, chương trình OCOP đã mang đến luồng gió mới trong sản xuất tại TP Hải Phòng.
Hải Phòng: Để sản phẩm OCOP không ngừng vươn xa
Chả Chìa Hạ Lũng

Mục tiêu đến hết năm 2025, TP Hải Phòng có 335 sản phẩm OCOP. Như vậy, với số lượng 242 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, Chương trình OCOP Hải Phòng đã đạt 72,2% so với kế hoạch đề ra trong 5 năm (năm 2021-2025).

 

Mở rộng thị trường

 

Ông Tăng Xuân Thọ - Trưởng phòng Phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng) cho biết, đến hết tháng 7/2024, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp thành phố đã đánh giá 292 sản phẩm, cấp giấy chứng nhận cho 287 sản phẩm. Trong đó có 87 sản phẩm 4 sao, 200 sản phẩm 3 sao và 5 sản phẩm đang gửi Trung ương đánh giá 5 sao.

 

Thời gian thực hiện chương trình chỉ còn hơn một năm nữa, để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đạt 100% kế hoạch đề ra và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, Hải Phòng cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đa dạng hóa các hình thức nhằm mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp đang được TP Hải Phòng triển khai. Trong đó, việc thúc đẩy phát triển thương mại điện tử được quan tâm đặc biệt.

 

Ông Lê Khắc Hoạt - Hạ Lũng (quận Hải An, TP Hải Phòng) cho biết, ông là người đầu tiên ở Hạ Lũng chế biến thành công món Chả Chìa, dù rất ngon và được người dân ưa thích nhưng trước đây chỉ bán cho các mối hàng truyền thống. Từ khi được UBND TP Hải Phòng công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, việc sản xuất kinh doanh của gia đình đã có sự phát triển mới, sản phẩm không chỉ bán ở Hải Phòng mà còn được đưa đi khắp các tỉnh, thành.

 

Hiện, sản phẩm chả chìa Hạ Lũng đã được đưa lên bản đồ Foodtour Hải Phòng, mạng bán lẻ của Vinaphone và Viettel cũng đưa sản phẩm lên để bán khiến gia đình ông Hoạt rất phấn khởi. Tuy nhiên, ông Hoạt có chia sẻ, sản phẩm có bán trên nền tảng xã hội nhưng chưa được nhiều, mới chỉ có một phần rất nhỏ, chưa được rộng rãi trên toàn quốc.

 

“Tôi mong muốn sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử sẽ duy trì được nghề truyền thống, tạo điều kiện cho nhiều người có việc làm”, ông Hoạt bày tỏ.

 

Bên cạnh đó, để mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương TP Hải Phòng đã phối hợp các địa phương, tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP chất lượng luôn được dành một vị trí đẹp nhất trong các siêu thị tại địa phương.

 

Theo ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Siêu thị Coopmart Hải Phòng, siêu thị có một khu vực dành riêng cho các sản phẩm OCOP. Một số sản phẩm OCOP bán chạy trong siêu thị, như mật ong Tùng Hằng, nước mắm Quang Hải… Siêu thị vẫn phối hợp với các Sở, ban ngành để tham gia các buổi kết nối cung cầu. Khi các sản phẩm OCOP có đầy đủ hồ sơ sẽ được giới thiệu trên các quầy kệ của Coopmart Hải Phòng.

 

Dự án OCOP được vay ưu đãi tối đa 2 tỷ đồng

 

UBND TP Hải Phòng đề xuất sẽ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất, kinh doanh, người lao động thuộc hộ làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình được vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định sinh kế từ nguồn ngân sách thành phố.

 

Theo đó, có 2 nhóm đối tượng được ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng vay vốn ưu đãi khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

 

Cụ thể, là các cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển du lịch được vay tối đa lên tới 2 tỷ đồng/dự án. Là người lao động thuộc hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình được vay tối đa 100 triệu đồng/lao động.

 

Lãi suất cho vay được xác định bằng lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ (hiện đang áp dụng 6,6%/năm), thời gian cho vay tối đa là 120 tháng. Trong đó, người lao động vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Còn cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định.

 

UBND TP Hải Phòng thực hiện uỷ thác cho Ngân hàng chính sách xã hội - Chi nhánh Hải Phòng quản lý nguồn vốn cũng như kiểm soát hồ sơ, phương thức cho vay, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ. Hàng năm, Ngân hàng chính sách xã hội - Chi nhánh Hải Phòng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, hội đoàn thể rà soát nhu cầu vay vốn, xây dựng kế hoạch nguồn vốn gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để trình UBND TP Hải Phòng quyết định phê duyệt cấp vốn.

 

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện xây dựng dự án thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, phát triển làng nghề truyền thống.

 

Các Sở Du lịch, Văn hoá và Thể thao có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng dự án, đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng đến năm 2030 để cho vay ưu đãi, thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ vay vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn Hải Phòng.

 

Theo diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang