Với hệ thống cảng biển lớn nhất khu vực miền Bắc, được xây dựng theo hướng hiện đại, cảng biển Hải Phòng có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 145.000 tấn và kết nối trực tiếp đến các cảng biển chính ở châu Âu, châu Mỹ. Mô hình cảng thông minh đang là lựa chọn trong bước chuyển mình của các doanh nghiệp cảng biển tại Hải Phòng.
Xu hướng tất yếu
Là một trong các cảng đang hoạt động hiệu quả tại TP Hải Phòng, ngay từ những ngày đầu hoạt động, cảng Nam Đình Vũ đã theo mô hình cảng xanh ngay từ ban đầu, với khoảng 90% các thiết bị tại cảng đều sử dụng năng lượng điện. Điều này đã góp phần biến lượng phát thải trực tiếp thành lượng phát thải gián tiếp, giảm hơn 50% tổng lượng carbon phát thải.
Theo đại diện Công ty CP Cảng Nam Đình Vũ, phía doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc số hoá, tự động hoá trong hoạt động khai thác như là sử dụng Smart Port, Smart Gate nhằm tối ưu hoá hoạt động cũng như nâng cao hoạt động khai thác và giúp giảm thiểu thời gian cũng như chi phí cho khách hàng. Ngoài ra, phía doanh nghiệp cũng thường xuyên bổ sung, thay thế từ hệ thống chiếu sáng, từ bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn led với độ sáng cao. Đây là cơ sở để doanh nghiệp tiến tới việc đánh giá và công bố cảng xanh trong năm 2024.
Còn tại Chi nhánh cảng Tân Vũ (1 trong 5 cảng của CTCP Cảng Hải Phòng), sau thời gian thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm đến nay, tất cả các thao tác giao nhận container qua cổng cảng Tân Vũ đều được tự động hóa thông qua ứng dụng hệ thống Smart Gate. Việc chuyển sang mô hình cảng điện tử này đã giúp khách hàng không phải đến cảng làm thủ tục trực tiếp như trước, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, góp phần giảm lượng khí thải carbon từ phương tiện vận tải.
Thực tế, xu hướng phát triển cảng trong thời gian tới là xây dựng cảng xanh, tăng cường kết nối sau cảng, áp dụng công nghệ mới, xu hướng blue - logistics... Tại TP Hải Phòng, việc phát triển trở thành thành phố cảng xanh được cho là một xu hướng tất yếu. Bởi theo Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số. Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hoá các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh.
Cần phối hợp dài hơi
Theo Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á (APA), ngành vận tải biển đang chiếm khoảng 3% tổng phát thải carbon toàn cầu, thải hơn 940 triệu tấn CO2 mỗi năm, đặc biệt chiếm 15% tổng lượng phát thải sulfur và 11% lượng phát thải hạt nhựa. Do vậy, trong bối cảnh giao thương quốc tế ngày càng tăng, nhu cầu phát triển một hệ sinh thái ngành hàng hải bền vững và thân thiện hơn với môi trường ngày càng được các cảng khu vực Đông Nam Á chú trọng.
Tại Việt Nam, phát triển mô hình cảng xanh được thí điểm từ năm 2023 trước khi nhân rộng, áp dụng tiêu chí bắt buộc từ sau năm 2030. Phía Cục Hàng hải Việt Nam đã công bố tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chí cảng xanh để các doanh nghiệp tự có lộ trình chuyển đổi phù hợp cũng như tạo ra tư duy mới trong hoạt động vận hành, khai thác cảng biển.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, việc xanh hóa cảng biển còn gặp khó khăn do việc đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố trong hoạt động hàng hải tại các cảng biển còn hạn chế. Việc xanh hóa các phương thức kết nối với cảng để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường cũng đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Do đó, cần phải có giải pháp dài hơi để thúc đẩy cảng biển phát triển bền vững.
Ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C chia sẻ: “Có rất nhiều yếu tố để xây dựng cảng xanh, đó là áp dụng động cơ và tuabin xanh. Chúng ta phải đảm bảo tất cả các đơn vị vận hành ở cảng phải áp dụng một nguyên tắc về năng lượng xanh”.
Theo Diendandoanhnghiep