Được biết, 8 tháng đầu năm 2022 khu vực có hàng container thông qua lớn như khu vực Hải Phòng tăng 8,41% so với cùng kỳ. Lượng hàng container xuất nhập khẩu đã có tín hiệu tăng trưởng đều, lần lượt là 2 - 4%.
Từ mũi nhọn…
Hải Phòng có hệ thống cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc, giai đoạn 2022-2025, Hải Phòng xác định một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của thành phố đó chính là kinh tế biển. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống cảng biển Hải Phòng đã phát triển mạnh mẽ. Theo danh mục bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam công bố ngày 24/4/2020, Hải Phòng có 49 bến cảng. Trong chiến lược phát triển hệ thống cảng biển, Hải Phòng hướng tới trở thành trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế.
Tiên phong trong chiến lược phát triển hệ thống cảng biển nước sâu phải kể tới hai bến container đầu tiên tại Lạch Huyện do Cảng Container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HITC) quản lý và khai thác từ ngày 13/5/2018.
TC-HICT có thể tiếp nhận tàu container sức chở 12.000 TEU, trọng tải 132.000 DTW vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của các khu vực miền Bắc đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ thay vì phải trung chuyển qua một cảng khác như trước đây.
Theo lãnh đạo UBND TP Hải Phòng: Hoạt động của TC-HICT góp phần thay đổi bức tranh khai thác cảng và vận tải biển ở khu vực phía Bắc, giúp giảm đáng kể chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam và các doanh nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Còn lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, sau 3 năm đi vào hoạt động, TC-HICT đóng góp chung vào sự phát triển sản xuất kinh doanh của tổng công ty trong việc giữ vững vị trí số 1 của Việt Nam về khai thác cảng với 60% thị phần container xuất nhập khẩu, 50% thị phần container thông qua các cảng của Tân Cảng Sài Gòn. Riêng TC-HITC sau 3 năm đi vào hoạt động đã đón gần 1000 chuyến tàu.
Cùng với 2 bến cảng container của TC-HICT, tháng 10/2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 và Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng thực hiện dự án này.
Mới đây nhất, ngày 4/3/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến số 5, số 6. Nhà đầu tư của dự án này là Công ty cổ phần Tập đoàn HATECO.
Như vậy, đến thời điểm này đã có 6 bến cảng thuộc khu Lạch Huyện được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, khẳng định năng lực vượt trội của hệ cảng biển Hải Phòng trong hệ thống cảng biển Việt Nam và thế giới.
Kinh tế biển của Hải Phòng không chỉ dừng lại ở khai thác tiềm năng của hệ thống cảng. Tận dụng thời cơ và lợi thế của thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc và hệ thống giao thông khác thuận lợi từ đường hàng không đến đường sắt, đặc biệt là hệ thống 45 cây cầu các loại kết nối với các tỉnh lân cận là Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương đã đưa Hải Phòng tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn.
… đến mở đường đầu tư và du lịch
Theo ông Nguyễn Trung Kiên – Trưởng BQL Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, TP Hải Phòng xây dựng thêm 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích trên 6.200ha; hoàn tất các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội tại khu đất diện tích 22,48ha tại phường Đông Hải 2, quận Hải An Đây là tiền đề để Hải Phòng đạt mục tiêu thu hút đầu tư FDI 5 tỉ USD/năm trong 5 năm tới.
Theo ông Kiên, trong Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP Hải Phòng là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển -logistics, du lịch-thương mại; chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, xúc tiến đầu tư trực tuyến; thu hút các dự án lớn, công nghệ cao có vai trò dẫn dắt, đóng góp lớn cho thành phố.
Theo đại diện của Tập đoàn Sao Đỏ, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, đơn vị tận dụng sử dụng công nghệ thông tin, trợ lý ảo 360 để khách hàng khắp nơi trên thế giới tham quan được khu công nghiệp và hội họp tìm nhà đầu tư qua các cuộc gọi video. Đây là cách thức tốt để nhà đầu tư khảo sát thực tế Khu công nghiệp mà không mất nhiều thời gian, chi phí di chuyển.
Song song với phát triển kinh tế công nghiệp, Hải Phòng tập trung đầu tư phát triển du lịch, với 2 trọng điểm du lịch là quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn. Lượng khách du lịch đến với Cát Bà luôn chiếm 1/3 tổng lượng khách du lịch đến với thành phố.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, những năm qua, Hải Phòng cũng đã có sự quan tâm hơn đối với phát triển du lịch. Từ năm 2015 - 2020, ngoài nguồn lực từ ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, thành phố còn huy động các nguồn lực xã hội khác lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng cho phát triển du lịch.
Tới nay Hải Phòng đã có 5 - 6 khách sạn; đã có nhiều khu nghỉ dưỡng; khu vui chơi giải trí cao cấp; đã có tuyến cáp treo Cát Hải- Phù Long dài 4 km; có thêm nhiều đường bay mới trong nước và quốc tế đi, đến sân bay Cát Bi…
Theo ông Tùng, cơ hội để du lịch Hải Phòng bứt phá trong thời gian tới là hoàn toàn khả thi. Với lợi thế đường hàng không có thể tiếp nhận những máy bay lớn nhất, hệ thống cảng biển phát triển, các trọng điểm du lịch đang được khai thác và bảo tồn hiệu quả… sẽ là những điểm sáng thu hút khách đến với Hải Phòng.
Tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Hải Phòng lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hải Phòng dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển cả nước.
Quy mô kinh tế tăng gấp 2,2 lần năm 2015, bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 5.863 USD, gấp 1,95 lần bình quân chung cả nước. Thu ngân sách nội địa năm 2020 gấp 2,32 lần năm 2015.
Nhiều tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư lớn, công nghệ hiện đại đầu tư vào lĩnh vực chế tạo đưa Hải Phòng thành trung tâm kinh tế, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ cảng biển và du lịch phát triển mạnh, hiệu quả.
Trước đó, tại hội nghị Thành ủy lần thứ 4 tổ chức Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng, UBND thành phố, thành lập ngay tổ công tác đặc biệt về phát triển du lịch Hải Phòng. Tổ công tác sẽ do một đồng chí lãnh đạo UBND thành phố làm tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các ngành, địa phương liên quan; đặc biệt có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, du lịch và đại diện các doanh nghiệp.
Theo ông Quang, sự tham gia của các chuyên gia, các doanh nghiệp sẽ giúp các chương trình phát triển du lịch của Hải Phòng đồng bộ, hiệu quả cao, phù hợp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Thường trực Thành ủy sẽ trực tiếp nghe tổ công tác về du lịch báo cáo mỗi tháng 1 lần để kịp thời có các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm đưa du lịch Hải Phòng phát triển bứt phá, xứng đáng là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế chủ yếu của Hải Phòng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16.
Theo Diendandoanhnghiep.vn