Tiếp tục tăng trưởng 2 con số
TP Hải Phòng hiện có nhiều điều kiện thuận lợi, ở vị trí đặc biệt quan trọng của cả nước, là giao điểm của kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia với đủ 5 loại hình: đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường thủy nội địa và đường sắt…
Trong những năm qua, Hải Phòng là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng phát triển cao, có điều kiện đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cầu đường... Địa phương này cũng kết hợp với các tỉnh lân cận, đặc biệt là các tỉnh trên trục cao tốc phía Đông để xây dựng nhiều cây cầu vượt sông, qua đó tạo sự liên kết vùng kinh tế, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đến làm việc. Với sự đầu tư đồng bộ các tuyến đường, cầu cảng, bến bãi, kết nối vùng được hoàn thiện đã tạo ra không gian Hải Phòng gần hơn các vùng kinh tế khác. Ngoài ra, việc đẩy mạnh cung cấp, khai thác cảng biển, nâng cấp đô thị đã thu hút nguồn vốn FDI và các nhà đầu tư nước ngoài đến với TP Hải Phòng.
Theo ông Lê Gia Phong - Cục trưởng Cục Thống kê Hải Phòng, kinh tế - xã hội TP Hải Phòng tiếp tục ổn định và phát triển, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu có sự tăng trưởng cao so cùng kỳ, một số chỉ tiêu tuy tăng thấp hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức cao và vẫn đứng trong tốp đầu của cả nước.
Cụ thể, với mức tăng trưởng GRDP 10,34%, TP Hải Phòng đứng thứ 5 cả nước, thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ nhất so với 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Ngay cả chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng hơn 13% tuy chưa đạt kỳ vọng (15%) nhưng cũng là một trong những kỳ tích của Hải Phòng vì nhiều tỉnh, thành phố bạn có mức tăng trưởng công nghiệp rất thấp do thị trường thế giới và trong nước khó khăn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Cũng theo ông Phong, năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hải Phòng ước đạt 102.614,5 tỷ đồng, bằng 98,02% so với dự toán Trung ương giao và bằng 88,12% so với dự toán HĐND giao. Đây là năm thứ hai TP Hải Phòng đạt thu ngân sách Nhà nước vượt 100.000 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa ước đạt 42.500 tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 58.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/12/2023, Hải Phòng xếp thứ 2 cả nước với tổng số vốn thu hút là 3,4 tỷ USD, có 933 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 28,9 tỷ USD.
“Môi trường đầu tư kinh doanh của TP Hải Phòng tiếp tục được cải thiện, hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, cùng với hiệu quả từ chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư đã giúp thành phố đạt kỷ lục về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu chững lại, các quốc gia trong khu vực cũng có nhiều chính sách mới để cạnh tranh đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển. TP Hải Phòng cũng là điểm sáng của cả nước trong giải ngân vốn đầu tư công; các hoạt động du lịch, dịch vụ phục hồi rõ nét”, ông Phong cho biết thêm.
Ông Dirk Hartmann – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tesa Site Hải Phòng cho biết: “Trong quá trình thành lập công ty, chúng tôi luôn được các đơn vị liên quan tại TP Hải Phòng tạo điều kiện thuận lợi, thậm chí có thể nói chuyện qua điện thoại, tham dự hội nghị từ xa. Với những chủ đề quan trọng, chúng tôi luôn nhận được câu trả lời quan trọng. Chúng tôi nhận thấy, đầu tư vào TP Hải Phòng là một quyết định đúng đắn”.
Hướng đến mục tiêu lớn
Thực tế, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước vẫn chịu ảnh hưởng khá nặng nề của đại dịch COVID-19, việc TP Hải Phòng cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu được coi là kỳ tích.
Theo quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, địa phương này đặt mụa tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ này tăng khoảng 13,5%.
Năm 2024, TP Hải Phòng đặt mục tiêu GRDP tăng khoảng 11,5% - 12% so với năm 2023. Trong đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 106.760 tỷ đồng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 15%. Đặc biệt, địa phương đặt mục tiêu thu hút từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn đầu FDI…
Để tạo bứt phá trong tăng trưởng kinh tế, theo ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, TP Hải Phòng sẽ tập trung cao đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển - logistics; du lịch - thương mại. Trong đó, TP Hải Phòng quan tâm tháo gỡ khó khăn, GPMB, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; hoàn thành việc lập Đề án thành lập KKT mới ven biển trình Trung ương phê duyệt trong năm 2024.
Được biết, TP Hải Phòng đã và đang đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; tập trung hiện đại hóa đô thị. Đồng thời, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giữ vững vị trí đứng đầu các thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển... Đây cũng là cơ sở để duy trì và gia tăng nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Theo ông Hà Văn Trường - Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng chia sẻ: “Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn. Chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh để đóng góp cho ngân sách nhà nước. Về phía đơn vị, chúng tôi sẽ chia sẻ và hỗ trợ tốt nhất các chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để hỗ trợ cho doanh nghiệp; nhất là các chính sách về miễn, giảm, gia hạn. Đồng thời, hỗ trợ về tất cả các mặt liên quan đến thủ tục hành chính, đẩy mạnh công tác kiểm tra tại bàn; giảm bớt thủ tục, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp nếu thấy không cần thiết. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp”.
Theo Diendandoanhnghiep.vn