Trong 2 năm 2020, 2021, dù chịu tác động của COVID-19, nhưng dòng vốn FDI vào Hải Phòng vẫn tăng trưởng liên tục. Kết quả thu hút đầu tư của Hải Phòng luôn trong tốp đầu Việt Nam. Năm 2022, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hải Phòng đạt 2,5 tỷ USD.
Từ những nỗ lực…
Cuối tháng 8/2022, đoàn lãnh đạo của TP Hải Phòng do ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng dẫn đầu đã triển khai chương trình xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc. Tại đây, đoàn công tác đã giới thiệu những thông tin tổng quan về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, chính sách thu hút đầu tư vào Hải Phòng. Đồng thời, trao đổi với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc để giải đáp và làm rõ mối quan tâm của họ khi tìm hiểu và đầu tư vào thành phố.
TP Hải Phòng cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đến từ Hàn Quốc như: Trung tâm Logistic Hải Phòng - Nam Đình Vũ 1 và 2 với tổng vốn đầu tư đạt 98 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Trung tâm gia công Posco Việt Nam với tổng vốn đầu tư 18,5 triệu USD và dự án KREMS điều chỉnh tăng vốn 35 triệu USD.
Cũng trong năm 2022, TP Hải Phòng đã cấp mới hơn 60 dự án, với tổng vốn đầu tư đạt trên 919 triệu USD. Trong đó cấp mới trong KCN, KKT đạt trên 800 triệu USD; cấp mới ngoài KCN, KKT đạt trên 116 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư trên 30 dự án, với tổng vốn tăng trên 478 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đầu tư nước ngoài mà Hải Phòng thu hút được là khoảng 1,4 tỷ USD. Các dự án cấp mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Sự xuất hiện mới và mở rộng đầu tư của các dự án FDI chính là minh chứng thuyết phục, khẳng định về một Hải Phòng phát triển, bứt phá, một điểm đầu tư tốt cho các nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia nhận định, sức hấp dẫn thật sự của Hải Phòng thể hiện qua kết quả thu hút đầu tư, đó là bằng chứng rõ nhất thể hiện môi trường kinh doanh tốt. Thành tích tăng trưởng mọi lĩnh vực của Hải Phòng như: GRDP, xuất nhập khẩu, cùng nhiều chỉ số tăng trưởng khác đã cho thấy Hải Phòng đã có những bứt phá rất mạnh từ khoảng những năm 2015 trở lại đây.
Thực tế, quá trình phát triển của Hải Phòng trong giai đoạn 2016-2020 cũng cho thấy, đây là một trong những địa phương có kết quả cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh rất tốt. Năm 2020, TP Hải Phòng xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố về chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Và chỉ một năm sau đó, địa phương này đã vươn lên vị trí thứ 2 của cả nước. Đặc biệt, chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) năm 2021 của Hải Phòng lần đầu tiên ghi nhận ngôi vị quán quân, với kết quả đạt 91,8% (cao hơn 5,43% so với mức trung bình của các tỉnh, thành phố trong cả nước). Nhờ những nỗ lực này, Hải Phòng đã trở thành địa bàn hấp dẫn các nhà đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước.
Theo ông Keisuke Koshijima - Giám đốc đại diện kiêm Phó Chủ tịch điều hành của Tập đoàn Kajima (Nhật Bản), cho biết: Hải Phòng đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng một cách toàn diện, trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics toàn cầu, với sân bay quốc tế Cát Bi, cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện và kết nối trực tiếp với Hà Nội thông qua đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. TP Hải Phòng thu hút nhiều nhà sản xuất quy mô lớn; trong đó bao gồm LG và Pegatron. Tập đoàn tin tưởng rằng, Hải Phòng là một địa điểm đầu tư hấp dẫn và là địa điểm lý tưởng để khởi công dự án tại đây.
Đến trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư
Theo ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, vốn đầu tư là một trong những yếu tố quyết định đối với tăng trưởng kinh tế quốc gia cũng như từng vùng, từng địa phương. Cuộc đua tranh phát triển giữa các tỉnh/thành phố thời gian qua thực chất là cuộc đua tranh thu hút các nguồn lực phát triển, trước hết là thu hút vốn đầu tư. Công cụ quan trọng nhất để thu hút vốn đầu tư là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn mỗi tỉnh/thành phố.
Tại Hải Phòng, ngoài lợi thế về hạ tầng đồng bộ, địa phương này còn chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp nhanh chóng, hiệu quả. Ngoài ra, Hải Phòng còn có hệ thống các trường học, bệnh viện, khách sạn, sân golf, resort, nhà hàng… phục vụ đầy đủ cho nhu cầu của các nhà đầu tư và người thân tới sinh sống, làm việc, học tập và giải trí.
Nhận định về điều này, PGS.TS Trần Đình Thiên - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Kinh tế Việt Nam cho biết, cơ chế mở cửa cùng các chính sách trải thảm đỏ đón nhà đầu tư, kết hợp với sự hỗ trợ tạo thuận lợi tối đa của Hải Phòng dành cho nhà đầu tư trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh là những yếu tố góp thêm điểm cộng cho Hải Phòng.
Thực tế, sau khủng hoảng của dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, làn sóng đầu tư FDI được các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Trong đó, TP Hải Phòng được coi là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của các nhà đầu tư. Địa phương này hiện có 14 KCN đang hoạt động. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ tập trung phát triển và mở rộng thêm 15 KCN với tổng diện tích 6.148 ha. Trong đó, tập trung ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào các lĩnh vực, ngành kinh tế mũi nhọn, các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, quản trị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, có đóng góp ngân sách lớn, liên kết với các doanh nghiệp trong nước theo chuỗi giá trị…
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng khẳng định: TP Hải Phòng luôn cam kết đồng hành, tạo mọi thuận lợi cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp FDI phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là bảo đảm sản xuất an toàn trong sự biến động mạnh của thế giới hiện nay...
Cũng theo ông Lê Trung Kiên, TP Hải Phòng luôn ý thức về nhu cầu phát triển bền vững các KCN theo hướng KCN sinh thái. Hiện nay, Hải Phòng là một trong 5 địa phương của cả nước đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt thí điểm để triển khai Dự án KCN thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu.
“TP Hải Phòng cũng luôn khuyến khích các nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái, sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường. Đặc biệt là việc hình thành các trung tâm nghiên cứu (R&D) tại Hải Phòng để địa phương có cơ hội phát triển thêm về mặt công nghệ và khẳng định vị thế trên lĩnh vực phát triển công nghiệp công nghệ cao trong khu vực”, ông Kiên nhấn mạnh.
Theo Diendandoanhnghiep.vn