Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trước tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Những vấn đề này gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xác định đấu tranh chống hàng, xâm phạm sở hữu trí tuệ phải tiến hành thường xuyên, liên tục có sự tham gia toàn xã hội, trong đó các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia như: Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành... là nòng cốt. Tuyệt đối không có vùng cấm trong công tác này. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để nâng cao hiệu quả phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Hơn 4 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã xây dựng, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch; tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, các lực lượng thực thi nhiệm vụ... Trong đó, phải kể đến Quy chế về trách nhiệm hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Quy chế này quy định trách nhiệm theo lĩnh vực, địa bàn và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước như: Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường… trong việc phối hợp tổ chức các kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát liên ngành và phối hợp thực hiện các phương án, kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến nhiều lĩnh vực, địa bàn: Xác định trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện....
Chính vì vậy công tác đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã đạt một số kết quả khả quan. Theo thống kê của các Bộ, ngành và địa phương từ năm 2014 đến năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 45.384 vụ việc về hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, triệt phá nhiều đường dây sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Những kết quả nêu trên đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, kết quả này chưa tương xứng với tình hình thực tế, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến hết sức phức tạp cả về quy mô và tính chất từ thành thị đến nông thôn, các mặt hàng hết sức đa dạng từ đồ ăn, nước uống đến hàng hóa chất lượng cao như đồ điện tử, phim, nhạc....
Tồn tại trên có nhiều nguyên nhân khác nhau từ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị, địa phương chưa thực sự thường xuyên, quyết liệt, có lúc, có nơi buông lỏng, thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp lực lượng trong triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; còn nể nang, né tránh việc xác định, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra hàng giả vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phức tạp kéo dài.
Nhiều doanh nghiệp chưa có ý thức trong việc phát hiện và ngăn ngừa việc làm giả các sản phẩm của mình, chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát.
Tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung năm bắt tình hình, nhận diện phương thức thủ đoạn, tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt nhóm mặt hàng ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu... để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong nắm bắt tình hình, trao đổi nghiệp vụ và kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đề cao tinh thần, trách nhiệm đơn vị, cá nhân quản lý địa bàn, lĩnh vực; Thực hiện nghiêm công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí đối công chức, cán bộ quản lý địa bàn để phòng ngừa tiêu cực, buông lỏng quản lý, bảo kê vi phạm....
Bên cạnh công tác phòng, chống, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển hàng hóa, đảm bảo yêu cầu về mẫu mã, chất lượng và giá thành, đáp ứng yêu cầu thị hiếu người tiêu dùng đồng thời có chiến lược bảo vệ, thực thi tài sản trí tuệ và tích cực phối hợp các lực lượng chức năng khi thi hành công vụ
Phối hợp các tổ chức, hiệp hội có chức năng chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu trong và ngoài nước để nâng cao năng lực lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ; tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng và tích cực tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Nguồn BCĐ389