Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các trường hợp gian lận xuất xứ thường xảy ra với những thị trường áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ như Hoa Kỳ, EU... Quy định của các quốc gia này là doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm với cơ quan hải quan nước nhập khẩu. Do vậy, khi có chuyện xảy ra, cơ quan chức năng sẽ khó vào cuộc nếu không có thông tin do hải quan các nước cung cấp.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Trần Quốc Định cho biết, chống chuyển tải bất hợp pháp là một công tác trọng tâm của Cục Hải quan Hà Nội triển khai ngay từ đầu năm với những yêu cầu rất cụ thể. “Trong đó giải pháp quan trọng là sự phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị tham mưu thuộc Cục và các chi cục để thông tin, nắm bắt những dấu hiệu đột biến, kịp thời là chỉ đạo các chi cục tổ chức kiểm tra những đối tượng này. Đặc biệt lưu ý đến những DN có đột biến trong XK hàng hóa đi các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ”, ông Định nói.
Trước tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa vẫn diễn ra vô cùng phức tạp, đầu năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách về tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ làm rất mạnh việc cảnh báo sớm đến cộng đồng DN. Trong đó, Bộ sẽ tập trung rà soát để cảnh báo đúng mặt hàng trọng điểm, thị trường trọng điểm có nguy cơ rủi ro gian lận xuất xứ.
Trên tinh thần chống gian lận xuất xứ hàng hoá ấy của Bộ Công Thương, lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội yêu cầu các chi cục xây dựng kế hoạch đặc thù của chi cục mình trong công tác kiểm tra và phối hợp với Đội Kiểm soát, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) tổ chức kiểm tra những DN có dấu hiệu nghi ngờ.
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan KCN Bắc Thăng Long Nguyễn Thái Bình cho biết, mặc dù đơn vị quản lý hơn 1.000 DN, chủ yếu hoạt động trong các KCN, có tính tuân thủ pháp luật cao nhưng vẫn xác định chống gian lận xuất xứ, nhãn mác, chuyển tải bất hợp pháp là nhiệm vụ quan trọng. Hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc khi làm thủ tục hải quan được kiểm tra đặc biệt kỹ lưỡng.
Theo đánh giá của Cục Hải quan Hà Nội, các đối tượng gian lận xuất xứ hàng hoá thường lợi dụng những kẽ hở trong chính sách để trục lợi, ví như ghi thông tin trên nhãn hàng một cách tùy tiện, hoặc ghi thông tin giả mạo, gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc phát hiện, xử lý.
Hàng hoá xuất khẩu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng chưa có chế tài xử lý rõ ràng. Ngoài ra, hiện nay nhiều DN, cá nhân thiếu quan tâm, phối hợp trong quá trình trao đổi thông tin, đấu tranh, bắt giữ và xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình.
Phương Lê