Thứ Bẩy, 23/11/2024 10:12:11 GMT+7
Lượt xem: 1293

Tin đăng lúc 18-05-2022

Hãm đà tăng giá xăng dầu: Trông vào “van” thuế?

Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã giảm 50% từ đầu tháng 4 nhưng theo các chuyên gia, vẫn chưa “thấm vào đâu” trước đà tăng giá xăng dầu thế giới.
Hãm đà tăng giá xăng dầu: Trông vào “van” thuế?
Hiện, thuế xăng, dầu của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước trong khu vực

Giảm thuế để “hạ nhiệt” giá xăng dầu

 

Trong vòng 2 tháng, giá bán lẻ xăng trong nước đã hai lần tăng liên tiếp. Theo đó, mỗi lít xăng RON95 từ ngày 11/5 đã cán mốc 29.980 đồng, E5 RON 92 là 28.950 đồng một lít. Đà tăng của giá bán trong nước được nhà điều hành lý giải cùng chiều với biến động giá thế giới, nhưng biên độ tăng thấp hơn từ 1-3%.

 

Giá xăng được dự báo có thể tăng thêm nếu giá thế giới vẫn xu hướng đi lên, sẽ ảnh hưởng tới tiêu dùng, phục hồi kinh tế và lạm phát.

 

Nhìn nhận đà tăng của giá xăng, ông Nguyễn Bích Lâm- nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận xét, giá xăng dầu bình quân sẽ tăng khá cao, nhà điều hành cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu và các loại thuế, phí để kìm đà tăng của loại nhiên liệu này.

 

Phân tích kỹ hơn, vị chuyên gia này cho hay, hiện mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải cõng 38-40% là thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900 - 2.000 đồng. Ngoài ra còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%. Thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giảm 50% từ đầu tháng 4 đến hết năm nay.

 

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, bài toán giảm giá xăng dầu trong ngắn hạn là quá khó nhưng về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ và có giải pháp phù hợp, vừa kìm đà tăng giá xăng dầu, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.

 

PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, vẫn còn dư địa để giảm giá xăng dầu. Dù vậy, phải tính toán các công cụ khác để hài hòa, vì diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng mạnh.

 

Cũng theo chuyên gia, mức thuế, phí đang chiếm tỉ trọng rất cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu. Trong đó, các loại thuế, phí chiếm 42-43% trong cơ cấu giá thành mặt hàng xăng, và tỉ lệ này với mặt hàng dầu là 24-30%. “Vì vậy, ngoài việc sử dụng hiệu quả linh hoạt quỹ bình ổn giá, thuế Bảo vệ môi trường đã giảm 50%, cần xem xét cân nhắc giảm thuế, phí như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt”- PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh góp ý.

 

Về phía Bộ Công Thương cũng đã nhìn nhận, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng quá cao có thể tính đến giải pháp giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì giải pháp giảm thuế cần tiếp tục được tính tới. “Chúng ta vẫn cần phải tính dài hơn, có kịch bản nhiều hơn nữa. Như khi giá xăng dầu biến động mạnh hơn, Bộ Công Thương đã lên kịch bản, cụ thể nếu giá 130 USD, 150 USD/thùng thì sẽ đề xuất đưa ra kịch bản tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu, như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, đa dạng hóa nguồn cung”- ông Trần Duy Đông nói.

 

Nguồn dự trữ ít nên không thể mở kho dự trữ

 

Ngoài việc tính toán lại nguồn thu ngân sách từ xăng dầu, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia về xăng dầu để ổn định nguồn cung, chủ động điều tiết giá.

 

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, đã đến lúc Việt Nam cần đặt ra vấn đề dự trữ chiến lược, dự trữ quốc gia - một công cụ can thiệp của cung - cầu, can thiệp về giá cực kỳ quan trọng. Dự trữ chiến lược không chỉ liên quan đến giá thành mà còn góp phần ngăn chặn đứt gãy nguồn cung xăng dầu.

 

Nhấn mạnh đây là sự thay đổi chiến lược của ngành năng lượng quan trọng, để làm được cần nguồn lực tài chính rất lớn, phải có hệ thống kho lưu trữ, kỹ thuật bảo quản, xây dựng được cơ chế vận hành, quản lý hệ thống và liên quan đến an ninh quốc phòng...

 

Tuy nhiên ông Ánh cho rằng, chỉ riêng Bộ Công Thương không thể làm được mà phải có chủ trương, chỉ đạo từ Chính phủ để xây dựng một chiến lược bài bản với sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan.

 

Việc dự trữ chiến lược về xăng dầu không nhiều nước làm được. Ngay cả với Mỹ hiện nay, nếu tình hình đứt đoạn nguồn cung kéo dài thêm thì kho dự trữ quốc gia cũng khó trụ nổi. Để làm được, cần một sự thay đổi chiến lược, có tầm nhìn dài hạn và thay đổi tư duy về thị trường xăng dầu- vị này nhấn mạnh.

 

Bên cạnh đó, Mỹ có thể sử dụng biện pháp này vì chủ động 100% nguồn nhiên liệu xăng dầu trong nước, trong khi đó Việt Nam hiện mới chỉ đảm bảo 70 - 75% nguồn cung trong nước, nguồn dự trữ ít nên không thể mở kho dự trữ.

 

Hồi tháng 3 khi trả lời chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã cho biết, Việt Nam chưa có hệ thống kho riêng nên giao việc dự trữ xăng dầu quốc gia cho các doanh nghiệp đầu mối. Đây là cơ chế bất hợp lý, Bộ sẽ nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền có cơ chế tách bạch dự trữ quốc gia và thương mại, đồng thời tăng dự trữ xăng dầu quốc gia, để đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong 1-2 tháng.

 

 

Trong khu vực ASEAN, Lào là quốc gia có giá xăng cao thứ hai, sau Singapore. Hiện mỗi lít xăng tại nước này là 1,742 USD, tương đương 40.226 đồng. Để kìm giữ giá xăng, Quốc hội nước này hôm 9/5 đã thông qua Nghị quyết giảm gần một nửa thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu trong 3 tháng. Mức thuế sau giảm với xăng là 16%, dầu là 11%.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang