Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kể từ ngày Nghị định số 202/2013/NĐ-CP áp dụng vào thực tiễn, hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón đang dần vào nền nếp. Công tác thẩm định, kiểm tra đánh giá tình hình để cấp giấy phép sản xuất phân bón cho các tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón cũng được tiến hành khẩn trương nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện cả nước có 570 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện được phép hoạt động tại Việt Nam, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã cấp 451 Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp Giấy phép sản xuất phân hữu cơ và phân bón khác cho 119 nhà máy, cơ sở sản xuất.
Công tác quản lý chất lượng phân bón được thắt chặt từ đầu nguồn, tại khâu sản xuất, nhập khẩu. Công tác chỉ định các phòng thử nghiệm, giám định, chứng nhận chất lượng phân bón đã được thực hiện kịp thời. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón luôn được tăng cường, có sự vào cuộc, phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị chức năng từ trung ương đến địa phương, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm về chất lượng phân bón, vi phạm nhãn mác. Các tổ chức, cá nhân có ý thức trong việc chấp hành các quy định về sản xuất, kinh doanh phân bón đã được nâng cao đáng kể…
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 202/2016/NĐ-CP còn một số hạn chế. Cụ thể, việc thực hiện quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý thực tế, sản phẩm phân bón phát triển ồ ạt, thiếu định hướng dẫn tới mất cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ; việc đăng ký và công bố chất lượng chưa phù hợp với mục đích sử dụng của phân bón. Không thể kiểm soát được chất lượng phân bón (phân giả, phân kém chất lượng) do thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế quản lý chú trọng về hậu kiểm trong khi lực lượng thanh kiểm tra còn mỏng và các công thức phân bón mới được phép lưu thông tràn lan mà không được cơ quan nào thẩm định tính khoa học, xác thực và hiệu quả.
Quy trình khảo nghiệm phân bón chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ. Việc cho phép các cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu phân bón tự khảo nghiệm, tự đánh giá và công nhận kết quả khảo nghiệm theo quy định hiện nay không bảo đảm tính khoa học, khách quan, chưa chặt chẽ, thống nhất và chưa được cơ quan quản lý kiểm chứng, dẫn tới nhiều loại phân bón không bảo đảm hiệu lực, nhiều doanh nghiệp làm giả hoặc sửa đổi hồ sơ khảo nghiệm để phục vụ cho việc hợp chuẩn hợp quy.
Về san chiết, sang chai, đóng gói phân bón (hay còn gọi chung là đóng gói phân bón), theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên thị trường hiện nay có nhiều tổ chức, cá nhân không hoạt động sản xuất phân bón, mà thực hiện việc đóng gói phân bón nhập khẩu hoặc mua trong nước từ bao bì đóng gói lớn sang bao bì nhỏ, từ chai lớn sang chai nhỏ, lẻ với mục đích kinh doanh, phân phối. Hoạt động đóng gói cần được quản lý chặt chẽ, để ngăn chặn hành vi sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng nhưng lại chưa được quy định tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP.
Về quản lý buôn bán phân bón bị buông lỏng do không quy định các cơ sở kinh doanh phân bón phải có Giấy chứng nhận (Giấy phép) kinh doanh phân bón do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có thẩm quyền cấp, nên dẫn đến tình trạng kinh doanh phân bón tràn lan, chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ là kẽ hở gây ra tình trạng phân bón giả, kém chất lượng không thể kiểm soát được trên thị trường trong thời gian qua…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo Nghị định gồm 10 chương, 55 điều. Dự thảo đã nêu rõ những quy định cụ thể về đăng ký, khảo nghiệm phân bón, sản xuất, đóng gói, buôn bán phân bón; xuất, nhập khẩu phân bón; điều kiện của các tổ chức đánh giá sự phù hợp… nhằm hạn chế bất cập, giúp công tác quản lý nhà nước về phân bón đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Nguồn Báo Điện tử Chính phủ