Trên cơ sở đó, Bộ Công thương đã có khuyến cáo đến các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhằm chủ động hơn trong kế hoạch và sản xuất để tránh rủi ro khi xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian tới.
Kiểm tra 370 loại thuốc BVTV
Theo Bộ Công thương, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ tháng 12-2015, đà tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã có những bước tăng trưởng ấn tượng; trong đó, nhóm mặt hàng nông sản có sự tăng trưởng khá. Năm 2017, Việt Nam xuất sang Hàn Quốc các mặt hàng nông sản trị giá 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2016.
Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng là thị trường áp dụng các tiêu chuẩn cao về kiểm dịch động - thực vật, thực phẩm nhập khẩu và không ít DN xuất khẩu của Việt Nam đã gặp phải khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch của Hàn Quốc. Cụ thể, từ ngày 1-1-2017, Hàn Quốc đã áp dụng cơ chế mới về quản lý danh mục thuốc BVTV trong hạt có dầu và hoa quả nhiệt đới và đến ngày 1-1-2019, tất cả các mặt hàng nông sản (trừ gạo) sẽ bị áp dụng theo bộ tiêu chí Hệ thống quản lý dư lượng thuốc BVTV (PLS).
Ông Kwon Chan Hyeok, Trưởng phòng Kế hoạch chất lượng thực phẩm, Vụ Tiêu chuẩn về dư lượng và tạp chất, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc, cho biết do khối lượng nhập khẩu thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng nông lâm thủy sản ngày một nhiều và để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, Chính phủ Hàn Quốc thực hiện áp dụng bộ tiêu chí PLS theo phương pháp mới.
Theo Hệ thống danh mục hợp quy của Hàn Quốc thì 370 loại thuốc BVTV sẽ chịu sự kiểm tra chuyên sâu tại cảng nhập khẩu được chỉ định của Hàn Quốc, trong đó có gần 140 loại thuốc BVTV hiện chưa có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng tại Hàn Quốc. Bất kỳ sản phẩm nông sản hàng hóa nào cũng cần phải nghiên cứu những bộ thuốc sử dụng đối với sản phẩm, làm giảm thiểu tối đa dư lượng còn tồn đọng trên sản phẩm đó. Đồng thời, xem xét thời gian cách ly của từng loại thuốc để đảm bảo không để lại dư lượng trên các sản phẩm.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng tăng thêm 32 chợ đầu mối (trước đây có 16 chợ) có hệ thống kiểm tra thuốc BVTV trong sản phẩm để kiểm soát nghiêm hơn hàng nhập. Ông Kwon Chan Hyeok cũng hương dẫn, các DN muốn nhập khẩu hàng vào Hàn Quốc phải thực hiện các bước như nộp hồ sơ đăng ký danh mục sản phẩm, hồ sơ này sẽ được 6 bộ, ngành của Hàn Quốc kiểm tra và để không bị trả lại đơn hàng hay tiêu hủy lô hàng không đạt chuẩn theo quy định của Hàn Quốc, DN Việt Nam cần rà soát hàng nông sản xuất khẩu của mình có sử dụng loại thuốc BVTV nào chưa có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng tại Hàn Quốc đã công bố.
Doanh nghiệp phải chủ động
Trước những quy định, yêu cầu từ phía Hàn Quốc đưa ra, một số DN Việt Nam cũng bày tỏ những khó khăn, vướng mắc để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn này. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Văn Thành, Hợp tác xã bơ Mã Dưỡng (Hiệp Phú, Bình Phước), cho biết trước xu thế hội nhập thị trường ngày càng sâu rộng thì rào cản về chất lượng, kỹ thuật sản phẩm của các nước cũng ngày một tăng cao, đặc biệt là thị trường khó tính như Hàn Quốc. Các tiêu chí, tiêu chuẩn ngày càng chặt chẽ, khắt khe sẽ khiến nhiều DN gặp khó khăn như việc thông quan gặp khó, sản phẩm dễ bị trả lại... bởi dư lượng danh mục thuốc BVTV mà Hàn Quốc cấm sử dụng rất nhiều, trong khi các DN Việt chưa cập nhật hết được.
Song ông Thành cũng cho rằng, DN cần chủ động hạn chế sử dụng các loại sản phẩm từ hóa học và nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm sinh học để phun, bảo quản. Đồng quan điểm này, bà Lê Thị Nguyên Thùy, đại diện Công ty XNK Mi Na (quận 1, TPHCM), cho rằng khi các tiêu chí này được áp dụng rộng rãi đối với tất cả mặt hàng nông lâm thủy sản, nếu DN không kịp thời nắm thông tin về những thay đổi từ các nước nhập khẩu thì dễ bị rủi ro, không có thời gian để thay đổi. Tuy nhiên, nếu DN Việt chủ động sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì sẽ ít gặp khó khăn hơn. Bản thân công ty cũng đang xuất sang Hàn Quốc sản phẩm viên nén gỗ và công ty luôn chủ động cập nhật các thông tin thay đổi từ phía nhập khẩu để kịp thời thích ứng.
Trao đổi về nội dung này, ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương, nhấn mạnh từ ngày 1-1-2017, Hàn Quốc đã áp dụng cơ chế mới về quản lý danh mục thuốc BVTV trong quả hạt có dầu và hoa quả nhiệt đới. Vì thế, nếu dư lượng thuốc BVTV chưa được đăng ký thiết lập mức giới hạn cho phép (Maximum residue limit - MRLs) thì sẽ bị áp dụng mức mặc định chung là 0.01ppm.
Mặc dù đây là biện pháp áp dụng chung đối với tất cả các nước, song biện pháp này sẽ hạn chế về số lượng, chủng loại thuốc BVTV sử dụng trong phòng trừ sâu bệnh tại Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như cà phê, lạc nhân, hạt điều và các loại trái cây nhiệt đới sang thị trường Hàn Quốc. Để kịp thời hỗ trợ các DN xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc, ông Lê An Hải khuyến cáo DN sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của Việt Nam cần kịp thời cập nhật cơ chế chính sách, quy trình, quy định từ phía Hàn Quốc để không bị tác động một cách tiêu cực đối với quá trình kiểm soát thị trường và giám sát hàng hóa nông sản nhập khẩu của Hàn Quốc.
Việc chủ động tìm hiểu các thông tin về chính sách nhập khẩu hàng hóa của Hàn Quốc, trong đó có hàng nông sản, hoàn toàn phụ thuộc vào phía DN. Khi DN đồng hành cùng các cơ quan quản lý để làm rõ được những quy định, yêu cầu từ phía đối tác sẽ tháo gỡ được vướng mắc, tìm biện pháp vượt qua những rào cản. Việc đáp ứng các quy chuẩn an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu là vấn đề tất yếu, bởi nếu không vượt qua được rào cản này, hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ mất đi tính cạnh tranh cũng như mất thị trường trong tương lai.
Theo SGGP