Thứ Sáu, 22/11/2024 16:42:52 GMT+7
Lượt xem: 3045

Tin đăng lúc 20-02-2017

Hàn Quốc muốn đưa nông sản vào Việt Nam

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 với nhiều ưu đãi thuế quan. Nhằm tận dụng những ưu đãi này, nhiều doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc, đặc biệt các DNsản xuất, chế biến nông sản có nguyện vọng muốn tăng cường xuất khẩu (XK) vào Việt Nam.
Hàn Quốc muốn đưa nông sản vào Việt Nam
Gian hàng của một doanh nghiệp tỉnh Gyeongsangbuk

Với sự hỗ trợ của tỉnh Gyeongsangbuk, KOTRA và Hiệp hội Nông nghiệp táo Gyeongbuk Daegu, một chương trình xúc tiến thương mại giới thiệu đặc sản tiêu biểu của tỉnh Gyeongsangbuk đã được tổ chức giữa tuần qua, tại Hà Nội. Ban tổ chức đã trưng bày và giới thiệu sản phẩm của các DN, các quận thuộc tỉnh Gyeongsangbuk cùng nhiều sản phẩm nông thủy sản sạch, thảo dược, hoa quả, rong biển khô, mật ong, nước ép trái cây, hồng sấy, dấm táo… có xuất xứ Hàn Quốc.

 

Việt Nam, thị trường tiềm năng

 

Nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm sạch của Hàn Quốc lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Tại quầy trưng bày các sản phẩm của thành phố Pohang, ông Kim Bongman, đại diện một DN của Hàn Quốc, cho biết các mặt hàng được trưng bày ở đây đều là đặc sản của thành phố Pohang.

 

Với đặc điểm thành phố vừa có biển, vừa có núi, nên đã cho ra nhiều loại nông sản, hải sản nổi tiếng như: cá mỏ dài, Siberian Ginseng, nước hoa quả ép (nước dâu rừng, nước táo…), bánh hẹ mực, bánh gạo…

 

Theo ông Kim, tất cả đều là sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá tốt, được địa phương chứng nhận sản phẩm chất lượng, bảo đảm ATTP, có in logo sản phẩm chất lượng trên mỗi nhãn hàng.

 

Giới thiệu cụ thể vào một sản phẩm đặc sản của Pohang, ông Kim cho biết, Siberian Ginseng là sản phẩm bắt nguồn từ một loại cây trên núi cao, thông qua công nghệ, người Hàn Quốc đã tạo ra một loại nước uống bổ dưỡng có tác dụng tốt cho mọi lứa tuổi, tăng chiều cao cho trẻ em, tốt cho tuần hoàn máu của người cao tuổi và tăng sức đề kháng cho con người.

 

Theo ông Lee Jung Wook - Phó Giám đốc sản xuất của công ty nông sản quận thuộc địa bàn tỉnh Gyeongsangbuk, Việt Nam là thị trường tiềm năng với dân số đông, có nhu cầu ngày càng cao với các loại nông sản sạch, chất lượng tốt. Chính vì vậy, DN này muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

 

Ông Lee cho biết, trước khi sang Việt Nam, DN đã tìm hiểu rất kỹ về sở thích, thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam qua mạng Internet, các phương tiện thông tin đại chúng… dù chưa hoàn toàn đầy đủ, song DN vẫn kỳ vọng những sản phẩm của mình sẽ thu hút được người tiêu dùng Việt.

 

Tiến sâu vào thị trường

 

Một số DN đã XK hàng hóa sang thị trường Việt Nam hơn 3 năm nay cũng có mặt tại hội chợ này với mong muốn tiếp tục đẩy mạnh XK nông sản vào nước ta.

 

Cụ thể, đại diện DN của công ty AnDong cho biết: “Năm 2013, DN của chúng tôi đã XK sang Việt Nam các mặt hàng: táo, lê, cà chua, nho, ớt… Theo nghiên cứu thị trường của chúng tôi, nhu cầu tiêu dùng các loại hoa quả tươi và hoa quả đã qua chế biến của Hàn Quốc ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Các sản phẩm của chúng tôi được phân phối tại hệ thống Lotte, một số cửa hàng thuộc khu trung tâm người Hàn Quốc sinh sống. Kế hoạch sắp tới của chúng tôi là mở rộng địa bàn phân phối ra nhiều khu vực hơn để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam”.

 

Tại hội chợ, sản phẩm của công ty này được bán với mức giá ưu đãi nhằm thu hút người tiêu dùng dùng thử sản phẩm. Chẳng hạn, một thùng táo Hàn Quốc 2,5kg có giá bán trên thị trường 700.000 đồng, tại hội chợ, sản phẩm này được bán với giá 500.000 đồng, một thùng lê 5 kg có mức giá 1 triệu, giá khuyến mãi tại chương trình là 700.000 đồng.

 

Không để các DN đơn độc trên con đường ra biển, cơ quan chức năng của tỉnh Gyeongsangbuk, KOTRA và Hiệp hội Nông nghiệp táo Gyeongbuk Daegu đã có động thái hỗ trợ cho các DN hướng tới mục tiêu đưa hàng vào Việt Nam. Theo ông Kim Hyun Seung, đại diện cơ quan chức năng tỉnh Gyeongsangbuk, thực tế trong năm 2015 - 2016, sau khi có FTA Việt Nam - Hàn Quốc, tính riêng tại tỉnh Gyeongsangbuk, lượng hàng hóa XK sang Việt Nam đã tăng gấp đôi, đạt hơn 1 triệu USD.

 

Năm 2017, để đẩy mạnh XK, chính quyền tỉnh đã phối hợp với một số ban ngành của Việt Nam để quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng. Để tránh trường hợp bị gắn nhãn mác giả tiêu thụ tại Việt Nam, tỉnh đã tiến hành xúc tiến mở rộng đối tác XK, cung cấp giấy chứng nhận ATTP, quản lý phân phối trực tiếp nhằm bảo đảm chất lượng và giá cả hợp lý.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang